Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN



Đôi lời: 
Một bài viết đăng trên báo Văn nghệ – Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP HCM có tựa đề “Trường hợp Võ Phiến”, của tác giả Thu Tứ, tức Đoàn Thế Phúc, con trai nhà văn Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Nhơn).  Tác giả viết: “Về chính trị, ấy là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhất, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả. Rút cuộc, nhà văn Võ Phiến đã chống cộng cực đoan hơn là những người cộng sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản!”


----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Trường hợp Võ Phiến
    Thu Tứ
 25-09-2014


Chúng tôi vô cùng bất đắc dĩ mới lên tiếng

Chẳng ai muốn đi chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình!



Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, hại đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này.

Chúng tôi cảm thấy có một chút trách nhiệm về việc làm nói trên của tổ chức phi chính quyền kia. Số là, trong hai năm qua, do nhà nước Việt Nam nới lỏng qui định về xuất bản, nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vửa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước! Hóa ra, việc hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn được người đọc quốc nội đón nhận khá tốt lại chính là cái nền rất tiện lợi cho tổ chức kia toan đặt lên đấy thứ nội dung hoàn toàn bất ổn trong tác phẩm Võ Phiến!

Chuyện đang xẩy ra còn làm chúng tôi sốt ruột về tương lai. Sẽ hết nhóm nọ đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến cách có hại cho nước. Phải làm cho thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay bây giờ.

Chúng tôi hiểu nhà văn Võ Phiến hơn bất cứ ai



Chúng tôi lại còn một lý do nữa khiến việc lên tiếng càng không thể tránh được.

Do quan hệ đặc biệt và do đã ở gần nhà văn Võ Phiến trong không biết bao nhiêu năm, chúng tôi được nghe tận tai những phát biểu của ông về tình hình đất nước mà chắc chắn chưa ai từng nghe. Ngoài ra, do yêu thích văn học, chúng tôi đã đọc tất cả tác phẩm Võ Phiến rất kỹ. Hơn nữa, chúng tôi còn đọc để soát lại trước khi đưa in đa số tác phẩm Võ Phiến tái bản hoặc xuất bản ở nước ngoài. Kết quả của không biết bao nhiêu lượt nghe những lời phát biểu thoải mái và đọc rất kỹ tác phẩm là: không ai có thể biết lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của nhà văn Võ Phiến rõ bằng chúng tôi.

Cái biết ấy trong tình hình cái lập trường bất ổn và cái cách nhìn cũng bất ổn đang được một số người tìm cách tái phổ biến, nó trở thành một sức nặng bắt chúng tôi phải bất chấp quan hệ tối thân thiết mà lên tiếng chỉ sai.

Tại sao chúng tôi trở nên bất đồng

Trước khi về thăm quê hương lần đầu tiên năm 1991 chúng tôi đã tuyệt đối tin những nghĩ ngợi của thân phụ mình về chuyện đất nước thời đánh Pháp và đánh Mỹ.

Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu miền Bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội kia thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! (Chúng tôi vẫn có lối du lịch “bụi” như vậy từ trước chứ không phải đến khi về nước mới thế.)

Với lối tham quan như vừa nói, chúng tôi nhanh chóng trở nên rất đỗi hoang mang! Chúng tôi thấy người Việt Nam ngoài Bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”, mọi người bình đẳng, cũng rất hay. Bấy giờ miền Bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện. Đâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, mà mình đã đọc thấy trong tác phẩm của người đẻ ra mình?! Than ôi, hóa ra chỉ là kết quả của những kinh nghiệm rất giới hạn cả về không gian lẫn thời gian cộng với những câu chuyện kể của một ít bạn bè người Trung cùng hoàn cảnh, một số đồng nghiệp người Bắc di cư, vài cán bộ cộng sản “hồi chánh”, thêm vài tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm”, tất cả được một trí tưởng tượng hết sức phong phú và một tâm lý đặc biệt bi quan suy diễn nên!

Ngoài cái biết trực tiếp như vừa nói, chúng tôi còn nhờ thói quen hay đọc sách báo mà biết thêm được vô số chuyện lạ đối với mình. Từ văn hóa, chúng tôi tìm hiểu sang lịch sử, mới biết đến hay biết rõ nhiều chuyện đất nước rất to, như Tuyên Ngôn Độc Lập, Hà Nội Kháng Chiến Sáu Mươi Ngày Đêm, chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ, mà cho đến lúc ấy hoặc chưa nghe bao giờ hoặc chỉ nghe hết sức loáng thoáng với lời bình phẩm hạ giá kèm theo. Những “voi” sự kiện theo nhau lù lù bước ra từ quá khứ khiến chúng tôi hết sức bỡ ngỡ!

Vì đã bị “tuyên truyền” rất kỹ, cũng phải đến hơn mười năm sau lần về nước đầu tiên, sau khi nghĩ đi nghĩ lại không biết bao nhiêu lần, chúng tôi mới thấy được thật rõ ràng lịch sử dân tộc trong khoảng 1945-1975 thực ra là như thế nào.


Nhà văn Võ Phiến trong những tư cách khác

Nhà văn Võ Phiến là một người đứng đắn, không bao giờ làm việc gì trái lương tâm để thủ lợi. Một người không bao giờ cậy thế bắt nạt, lấn lướt ai. Một người khiêm tốn, không bao giờ khoe khoang. Một người ăn nói luôn ôn tồn, thái độ luôn hòa nhã.

Nhà văn Võ Phiến là một thành viên tận tụy của gia đình, gia tộc.

Nhà văn Võ Phiến đóng góp rất đáng kể vào văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.

Một lập trường chính trị hoàn toàn bất ổn

Nhà văn Võ Phiến viết nhiều thể loại. Lập trường chống cộng của ông được đưa ra rải rác khắp nơi trong nhiều loại tác phẩm khác nhau, khi là hẳn một bài tạp luận hay tạp bút, khi là lời nhân vật trong truyện ngắn hay truyện dài, khi là những đoạn trong một tác phẩm phê bình hay nhận định văn học v.v.

Lập trường chống cộng của nhà văn Võ Phiến liên hệ đến ba vấn đề: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chọn lựa ý thức hệ.

Về giải phóng dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu!!!

Ông cho rằng sớm muộn Pháp cũng trả độc lập cho ta, viện dẫn những chuyện xảy ra trên thế giới.



Đúng là đế quốc Anh đã tự giải tán trong hòa bình. Nhưng Pháp không phải là Anh. Pháp cương quyết tiếp tục giữ thuộc địa và cướp lại những thuộc địa tạm mất trong Thế chiến thứ Hai. Song song với hành động tái xâm lược ở Việt Nam, tháng 8-1945 quân đội Pháp thảm sát hàng chục ngàn người dân nổi dậy ở thành phố Sérif, An-giê-ri, và từ tháng 3-1947 đến tháng 12-1948 đàn áp kháng chiến ở Madagascar, giết có thể đến hơn 100.000 người! Ngay cả sau khi thua to ở Điện Biên Phủ, phải chấp nhận rút khỏi Việt Nam, Pháp vẫn cố giữ An-giê-ri để rất nhiều máu phải đổ nữa rồi mới chịu thôi làm đế quốc.

Nhà văn Võ Phiến nhắc những miền đất ở châu Phi được Pháp trả lại độc lập dễ dàng: thì những nơi ấy chính đã may mắn được hưởng thành quả rực rỡ của kháng chiến Việt Nam và kháng chiến An-giê-ri đấy chứ! Mà thực ra cũng không phải may mắn: ai cũng biết những “nước” Phi châu mới kia chỉ có cái vỏ độc lập chứ ruột thì vẫn nằm trong tay Pháp. Từ ngày “độc lập” năm 1960, các nước ấy đã bị Pháp ngang nhiên can thiệp quân sự hơn 30 lần! Vai trò áp đảo của Pháp trong vùng rõ ràng tới nỗi từ lâu đã sinh ra cái từ Francafrique: Phi nhưng mà “Phi Pháp”!

Dân tộc Việt Nam với ít nhất hai mươi mấy thế kỷ văn hiến, dân tộc Việt Nam mà chính toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã nhận xét là nhất ở Đông Nam Á, phải qua đến Nhật mới gặp được trình độ tương đương (1), dân tộc ấy lại nên như những giống người còn bán khai ở châu Phi ngồi chờ giặc thua to ở nơi khác, ban phát cho một thứ gọi-là-độc-lập hay sao?!!

Sau Thế chiến thứ Hai, không phải đế quốc nào cũng chọn buông thuộc địa. Chính dân tộc Việt Nam anh hùng đã dẫn đầu những dân tộc bị trị trong việc bắt đế quốc Pháp phải buông thuộc địa.

Hễ có kẻ đè đầu cưỡi cổ, thì khi có cơ hội ta phải vùng lên đánh hất nó xuống, chứ lẽ nào cứ ngồi yên đợi nó chán cưỡi chán đè!!!

Lý luận “không cần kháng chiến” hoàn toàn không có giá trị. Nó gốc ở cái ý muốn bào chữa cho những người không tham gia kháng chiến và cái ý muốn phủ nhận công lao to lớn của đảng cộng sản Việt Nam và ở một tâm lý tự ti về văn hóa dân tộc mà chúng tôi sẽ trình bày sau.

Về thống nhất đất nước, nhà văn Võ Phiến đặt việc chống cộng lên trên việc thống nhất đất nước.

Sau khi thua ở Điện Biên Phủ, đế quốc Pháp phải chấp nhận rời khỏi nước ta. Cuộc kháng chiến gian khổ, oai hùng do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thành công! Nhưng một số người Việt Nam – những người đã không tham gia kháng chiến hoặc theo giặc đàn áp kháng chiến (!!!) – không chịu để toàn dân đi bầu tự chọn chính quyền mà dựa vào thế lực siêu cường Mỹ dựng lên một “nước” trên một nửa nước!!!

Tổ tiên ta bao nhiêu công phu, xương máu, qua bao nhiêu đời mới mở được chừng này đất, để bây giờ đất chia hai sao? Dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm trải bao lượt thử thách vẫn là một để bây giờ thôi là một sao?

Hễ có cơ hội, phải cố hết sức thống nhất đất nước.

Cơ hội đã có: từ năm 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu lung lay, khởi đầu do một số đảng phái bất mãn về chính sách, sau đó do đông đảo Phật tử đấu tranh chống thiên vị tôn giáo. Năm 1963 chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Tiếp theo là đảo chính liên miên. Nhân tình hình thuận lợi, quân kháng chiến Miền Nam và quân đội Miền Bắc tiến công mạnh mẽ. Đâu muốn chết đến người Mỹ, nhưng thấy “tiền đồn” Việt Nam Cộng Hòa quá nguy ngập, nhà nước Mỹ đành gấp rút cho hơn nửa triệu lính đổ bộ. Chính quyền Sài Gòn trở nên tạm ổn định, nhưng biển Mỹ kim tiền viện trợ lại nhanh chóng gây ra nạn quan chức tham nhũng hết sức trầm trọng. Tổn thất sinh mạng binh lính Mỹ, ảnh hưởng tai hại đến kinh tế Mỹ, sự kiên cường của kháng chiến Miền Nam và quân dân Miền Bắc, cùng với sự bất lực của chính quyền Sài Gòn, khiến nội bộ Mỹ trở nên chia rẽ trầm trọng, dẫn đến quyết định rút hết quân ra. Chỉ hai năm sau khi lính Mỹ rút, nước Việt Nam thống nhất. Tổn thất hơn 210.000 lính chết và bị thương, thả xuống ba lần rưỡi lượng chất nổ đã thả trong Thế chiến thứ Hai (!!!), tiêu mất gần một ngàn tỉ đô-la (tính theo giá đô-la năm 2011), mà siêu cường Mỹ rút cuộc vẫn thất bại trong ý đồ chia hai nước ta.(2) Mỹ thảm bại, chắc chắn có một phần do đã ủng hộ một chính quyền không được lòng dân.

Bất chấp cơ hội thống nhất đất nước đã tới, nhà văn Võ Phiến vẫn tiếp tục ủng hộ sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Đó là một lập trường đi ngược lại với lý tưởng dân tộc.


Về chọn lựa ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản.

Chọn lựa một chủ nghĩa, phải trên cơ sở nhu cầu đất nước và phải căn cứ vào kết quả cụ thể.

Xét nhu cầu thì:

Thời Pháp thuộc có nhu cầu hết sức lớn là đánh đuổi giặc Pháp. Đến cuối thập kỷ 1910, nỗ lực cứu nước của các nhà nho đã coi như hoàn toàn thất bại. Công cuộc giành lại độc lập đòi hỏi một đường hướng mới. Vừa đúng lúc ấy bên Tây phương nẩy ra một thứ chủ nghĩa nhiệt liệt bênh vực những người bị áp bức, với những phương cách rất cụ thể để tổ chức họ thành lực lượng đấu tranh lợi hại. Quốc gia tiên phong ứng dụng chủ nghĩa ấy là Liên Xô, một cường quốc. Ở Việt Nam đang có vô số người bị áp bức, nếu chọn chủ nghĩa cộng sản thì trước mắt có phương tiện để tổ chức họ thành đoàn thể chặt chẽ, thêm về lâu dài có thể có được nguồn ngoại viện cần thiết cho kháng chiến: tại sao lại không?

Thời Pháp thuộc còn có nhu cầu khác cũng rất quan trọng là cải cách xã hội để san bằng những chênh lệch quá độ nẩy sinh như một kết quả của tình trạng đất nước bị ngoại nhân cai trị lâu ngày.(3) Chủ nghĩa cộng sản có vẻ là một phương tiện tốt để thực hiện việc cải cách này, tại sao lại không chọn?

Xét kết quả thì:

Đối với hai đại sự là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là chọn lựa đúng. Nhờ đông đảo nhân dân đoàn kết chặt chẽ với tinh thần hy sinh cao độ và nhờ có ngoại viện cần thiết, mà cả hai đại sự đã thành công tốt đẹp.

Đối với việc cải cách xã hội, tuy trong một thời gian đã xảy ra sai lầm khiến một số người bị xử oan, nhưng mục đích san bằng bất công có đạt được. Nhân đây cũng nên nói về ý nghĩa của việc “sửa sai”. Nó chính là một ví dụ về khả năng Việt hóa món nhập ngoại của dân tộc Việt Nam. Ngay từ năm 1924 Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cần xem xét lại chủ nghĩa cộng sản trên cơ sở lịch sử phương Đông.(4) Tiếc một phần do hoàn cảnh chiến tranh, trong cải cách ruộng đất việc xem xét lại đã không được tiến hành kịp thời. Nhìn chung, ở Miền Bắc văn hóa dân tộc đã làm mềm hẳn chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy, với kết quả là một xã hội về cơ bản vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp vừa có một cái không khí bình đẳng hơn trước cũng tốt đẹp.


Nghĩa là, ít nhất trong khung thời gian liên hệ, việc chọn chủ nghĩa cộng sản không có gì sai.

Tóm tắt về lập trường chính trị của nhà văn Võ Phiến


Trong khi những người cộng sản Việt Nam lập hết công giải phóng dân tộc đến công thống nhất đất nước, cùng lúc dần dần cải cách ý thức hệ cộng sản cho hợp với văn hóa truyền thống và điều kiện xứ sở, thì nhà văn Võ Phiến hững hờ với giải phóng, thờ ơ với thống nhất, đem toàn lực tiến công cái bản gốc của ý thức hệ ấy!

Ông bảo chủ nghĩa cộng sản là xấu. Trông vào kết quả trên nhiều mặt, rõ ràng nó chẳng xấu cho đất nước quê hương một chút nào!

Một cách nhìn lịch sử cũng hoàn toàn bất ổn

Ngoài lập trường chống cộng, tác phẩm Võ Phiến còn chứa một cái nhìn về lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20.

Ở đây có lẽ nên nhắc ngay đến cái khuynh hướng phân tích tâm lý nhân vật “chẻ sợi tóc làm tư” nổi tiếng của nhà văn Võ Phiến. Thực ra không chỉ khi viết truyện mà cả trong đời sống ông cũng thế, cũng thích chẻ cái mình nhìn ra cho thật nhỏ. Và ông đặc biệt ưa chú mục vào những cái xấu hoặc bất thường (tuy bản thân không hề xấu hoặc bất thường).


Mỗi người chỉ có đúng một cách nhìn. Tất nhiên nhà văn Võ Phiến đã nhìn lịch sử dân tộc bằng chính cách vừa nói trên.


Kết quả là, đọc ông ta gần như toàn gặp những người dân không biết yêu nước là gì (thỉnh thoảng có gặp thì nhân vật yêu nước hiếm hoi ấy lộ vẻ lạc lõng rõ rệt); không thấy thực dân khai thác tài nguyên bóc lột lao động đâu cả, chỉ thấy cán bộ cộng sản hủ hóa; không thấy giặc Pháp tàn bạo với người Việt Nam đâu cả, chỉ thấy có dân bị đấu tố oan; không thấy đông đảo nhân dân nô nức ủng hộ chiến sĩ, hàng hàng lớp lớp chiến sĩ hăng say đánh giặc ngoại xâm, lập chiến công oai hùng đâu cả, chỉ thấy nhiều người bị làm khổ và nhiều kẻ liều chết ngớ ngẩn!!! Không có những việc tốt nhà nước cộng sản đã làm cho dân nghèo nào hết, chỉ có những xáo trộn xã hội hoàn toàn vô ích!!!…

Dân tộc Việt Nam đâu phải như vậy. Sự thực về cuộc cai trị của đế quốc Pháp, về kháng chiến Việt Nam, về những việc làm của đảng cộng sản Việt Nam, đâu phải như vậy.


Sở dĩ nhà văn Võ Phiến thấy vậy, ấy bởi ông đã chăm chú nhìn những thành phần thiểu số, những chuyện lẻ tẻ, nhất thời. Chỉ có một việc cải cách ruộng đất thực hiện quá tay là đã xảy ra ở khá nhiều nơi và kéo dài khá lâu. Nhưng “sai” ấy đã được “sửa”.

Cái nhìn Võ Phiến ngoài tính rất đỗi cục bộ và tập trung vào cái xấu hoặc bất thường, còn một đặc tính nữa là hay khuếch đại.

Nhìn chỗ xấu, chẻ nhỏ, phóng to… Có là Tây Thi thì cũng không thể còn đẹp nổi dưới cái nhìn như thế! Thực ra đâu còn khuôn mặt nào nữa mà đẹp với xấu! Một công cuộc vĩ đại đầy ý nghĩa tốt đẹp cũng chẳng khác gì. Nhìn nó như nhà văn Võ Phiến nhìn thì thấy thật rõ những tiêu cực rời rạc bé nhỏ, mà không sao thấy được cái toàn thể tích cực liền lạc lớn lao.

Cách nhìn là quan trọng nhất. Nhưng nhìn đâu cũng có đóng góp vào cái thấy của người nhìn.

Có thể đặt vấn đề, hay là quê hương nhỏ của nhà văn Võ Phiến là huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định nó đã “ngoại lệ” khiến ông đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước? Quả thực, ở Phù Mỹ thời Pháp thuộc gần như không thấy bóng giặc Pháp mà chênh lệch giàu nghèo cũng không đáng kể. Nhưng ngay ở Phù Mỹ, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người yêu nước, chẳng qua nhà văn không chú ý đến họ. Hơn nữa, dù chỉ nhìn tình hình Phù Mỹ mà thôi khó thấy được đại cục nước Việt Nam, thì thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước, chứ đâu được nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình!


Cuối cùng, về “cách nhìn Võ Phiến”, có lẽ cũng nên nêu lên rằng nó lẽ tự nhiên dẫn tới tâm lý bi quan, là một nét nổi tiếng của văn chương Võ Phiến. Bi quan trong văn thì không sao cả. Nhưng trong cuộc đấu tranh để sinh tồn của cả một dân tộc, thì hết sức tai hại.

Tại sao nhà văn Võ Phiến chống cộng

Nhà văn Võ Phiến lớn lên ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.


Cái lối giặc Pháp cai trị nước ta mỗi nơi một khác đã làm cho giặc gần như vô hình đối với người thanh niên mà sau này sẽ là nhà văn Võ Phiến. Bởi về kinh tế Phù Mỹ không có gì hấp dẫn, nơi ấy giặc chỉ hiện diện nhỏ xíu, cho có mà thôi. Đã ít lại “hiền”, chẳng làm gì ai, giặc cơ hồ như không phải giặc! Không gian chính trị như thế bất lợi cho lòng yêu nước. (Tuy vì việc học người thanh niên có xa quê một thời gian, nhưng Phù Mỹ là môi trường chủ yếu. Hơn nữa, ngay tại những nơi ở trọ ông cũng không có dịp thấy giặc nhiều và dữ. Người ấy đã chỉ lo học, không tham gia bất cứ tổ chức cách mạng nào.)

Ở Phù Mỹ, không gian văn hóa cũng không lợi cho lòng yêu nước. Như chính nhà văn Võ Phiến hơn một lần viết ra, nơi vùng quê ấy hết sức hiếm những cái nó có giá trị khiến người dân địa phương dễ dàng cảm thấy hãnh diện về đường tinh thần. Không kiến trúc truyền thống ấn tượng như mái đình mái đền mái chùa cong vút, không sinh hoạt truyền thống tưng bừng như lễ hội, hát quan họ hát chèo, rất ít làng nghề với những sản phẩm mỹ thuật tinh tế, cũng không nhà nho tài tử thơ phú tài hoa… Chỉ có bài chòi vài ngày dịp Tết và hát bộ rất thi thoảng.

Người thanh niên Võ Phiến có trình độ học vấn tương đối cao. Như một kết quả của chương trình giáo dục thuộc địa, thanh niên ấy mang nặng ấn tượng tốt đẹp về văn hóa Tây phương.

Người thanh niên Võ Phiến có đầu óc thực tế, chú ý nhiều đến điều kiện vật chất, mà văn hóa Tây phương thì từ khi sáng kiến ra phương pháp khoa học đã tỏ ra rất xuất sắc về cải tiến điều kiện vật chất.(5) Thanh niên ấy ưa phân tích tâm lý, mà văn học Tây phương thì sở trường phân tích tâm lý… Không phải không đáng kể đâu. Những chỗ hợp với Tây do bản tính ấy đã kết hợp với kết quả của chương trình giáo dục thuộc địa tạo nên một lòng đặc biệt nể mến Tây có ảnh hưởng nhất định đến thái độ riêng về chuyện chung.


Người thanh niên Võ Phiến hay nghĩ ngợi, với cái nhìn “tập trung vào chỗ xấu, chẻ nhỏ, phóng to”, hay hoài nghi, hay lo (rất) xa và đặc biệt nặng lòng với gia đình gia tộc.


Người thanh niên Võ Phiến tuy vậy có theo kháng chiến một thời gian, nhưng rồi một phần do bị chấn động tâm lý nặng bởi những quá độ trong cải cách ruộng đất, đã bỏ kháng chiến; được ít lâu, gia nhập một đảng phái chống cộng ở địa phương, hình như chủ yếu do một người bà con thân lôi kéo, chẳng bao lâu bị những người cộng sản bắt, nhận một án tù nhẹ vì đã không phải là một thành viên tích cực của tổ chức kia, trong khi người bà con thân bị án tử hình…


Không gian chính trị, không gian văn hóa, hoàn cảnh giáo dục, đặc tính cá nhân, tất cả đã cùng nhau khiến một thanh niên theo kháng chiến không mấy hăng say. Sau đó, một số biến cố chung, riêng đẩy thanh niên ấy về phía những người chống cộng.

Tại sao nhà văn Võ Phiến nổi tiếng chống cộng

Viết văn chống cộng thì lắm cây bút từ Miền Bắc di cư vào chịu khó viết. Nhưng tác phẩm của họ điển hình lớn lời mà thiếu chi tiết cụ thể, rỗng lý luận. Tác phẩm chống cộng của nhà văn Võ Phiến ngược lại: lời nhỏ kể lể tỉ mỉ, đay nghiến, với lý luận (sai) kèm theo.

Chính quyền Sài Gòn để ý và đánh giá cao lối viết ấy. Năm 1960, truyện vừa Mưa đêm cuối năm của nhà văn Võ Phiến được giải thưởng “Văn học Toàn quốc”. Như Nhất Linh nhận xét trong Viết và đọc tiểu thuyết, lời văn trong tác phẩm giật giải văn chương ấy hãy còn thô vụng.(6) Nó được chọn rõ ràng vì nội dung chính trị phù hợp với nhu cầu tuyên truyền của những người đang cai trị Miền Nam.

Sau Mưa đêm cuối năm, được chính quyền Sài Gòn khuyến khích và được “đồng chí” tán thưởng, nhà văn Võ Phiến tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có nội dung tương tự, viết chống cộng mỗi lúc một thêm “tinh vi”. Thực ra tác phẩm Võ Phiến trở nên “vi” (tỉ mỉ) hơn nữa, chứ không phải “tinh” (thấy đúng bản chất) hơn chút nào, vì nhìn cục bộ thì không thể thấy toàn thể. Cái tiếng “chống giỏi” của nhà văn nhanh chóng lan rộng trong cái tiểu xã hội phức tạp của những người chống cộng mà có lẽ đại đa số không thực sự chia xẻ nội dung cụ thể của tác phẩm Võ Phiến, chưa nói nhiều người hình như không hề cầm tới sách! Nhà văn Mai Thảo có lần đọc, thấy “nhiều sắc thái địa phương”. Nhà văn Vũ Khắc Khoan cũng thử đọc, rồi phàn nàn về những nhân vật “tù lù mù”. Chi tiết khó “chia”, mà lý luận hẳn họ càng thấy khó “sẻ”, vì vốn dĩ chính bản thân họ có hay lý luận rắc rối gì đâu. Đại khái, mỗi người chống cộng vì một số lý do riêng, rồi hễ cứ nghe ai “chống giỏi” là rủ nhau hoan hô, không cần biết người kia cụ thể chống thế nào!



Cái lối được trầm trồ mà không được đọc rồi cũng xảy ra cho nhà văn Võ Phiến ở ngoài Bắc. Một số người “Nhân Văn Giai Phẩm” nghe tiếng chống cộng của ông, sinh ngay cảm tình, tuy hầu hết những người ấy chắc chắn rút cuộc chưa bao giờ đọc được một chữ văn Võ Phiến! Thực ra giữa họ và nhà văn Võ Phiến có chỗ khác nhau rất căn bản: họ đều đồng lòng kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp, lấy việc ấy làm quan trọng hơn cả, trong khi nhà văn Võ Phiến thì không. Nông nỗi của họ xảy ra là do họ nghĩ giải phóng dân tộc xong rồi, Đảng không nên lãnh đạo văn hóa nữa, mà nên để “trăm hoa đua nở”. Nhưng việc nước đã xong đâu! Còn phải thống nhất đất nước. Với sự can thiệp của siêu cường Mỹ, công việc sẽ vô cùng khó khăn. Cần phải duy trì ý chí chính trị và tinh thần kỷ luật ở mức cao nhất. Tự do văn hóa sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực duy trì này, do đó Đảng không thể chấp nhận được. Nhìn cách khác, tình hình đất nước bấy giờ chưa thích hợp với một cải cách chủ nghĩa lớn như vậy.

Vào cái khoảng thời gian Liên Xô vừa sụp, cái tiếng chống cộng của nhà văn Võ Phiến còn khiến một số nhà văn Việt Nam ở trong nước tìm cách bắt liên lạc với ông, hẳn vì họ nghĩ nhà nước cộng sản Việt Nam cũng sắp sụp! Có người nhân dịp đi công tác qua Mỹ, đã tỏ tình thân ái bằng cách tặng nhà văn Võ Phiến một chiếc đồng hồ đeo tay dùng lâu năm. Người ấy từng tự nói nhờ Đảng mà tôi mới được thế này. Ấy thế mà khi tưởng Đảng sắp đổ, ông vội vã đi ôm chầm lấy kẻ thù của Đảng! Ngán cho “nhân tình thế thái”. Thân phụ chúng tôi có kể rằng, qua trò chuyện, thấy nhà văn kia dường như chưa hề đọc một tác phẩm nào của mình!

Ra hải ngoại, tiếng tăm của nhà văn Võ Phiến lớn hơn khi ông còn ở Sài Gòn. Vì hai lý do. Thứ nhất, lẽ tự nhiên trong cái cộng đồng của những người bỏ nước, ai chống chính quyền của nước đã bỏ thì được hoan nghênh, chống càng mạnh càng được hoan nghênh. Thứ hai, việc nhà văn Võ Phiến bắt đầu viết và viết trong một thời gian dài tác phẩm Văn học Miền Nam khiến rất nhiều văn nhân hải ngoại đua nhau ca ngợi ông trong thời gian dài. Sau khi toàn bộ tác phẩm ấy được trình làng, có khá nhiều phản ứng bất lợi từ chính những người đã từng trông ngóng nó ra đời. Họ không bằng lòng về một số nhận định văn học của tác giả. Chúng tôi cho rằng về nhận định văn học, Văn học Miền Nam chứa nhiều ý kiến giá trị. Nhưng cũng như đa số tác phẩm Võ Phiến, đáng tiếc, nó cùng lúc chứa những phát biểu hoàn toàn sai lầm về lịch sử đất nước trong thế kỷ 20.


Một lòng yêu nước tự ti

Không biết bằng Paul Doumer


Khi còn ở quê, do kiến thức rất giới hạn, người thanh niên Võ Phiến đinh ninh Việt chỉ là học trò của Tàu. Sau khi vào Sài Gòn năm 1960, kiến thức của nhà văn trẻ Võ Phiến tăng lên rất đáng kể. Ông dần dần biết ta có những nét riêng…


Đọc Quê hương tôi và Tạp văn, mọi người khen tác giả uyên bác, biết nhiều về văn hóa Việt Nam.


Thực ra ngay trong Quê hương tôi vốn cũng vẫn còn có chỗ tác giả lặp lại cái thành kiến sai lầm cũ kỹ rằng ta chỉ là học trò của Tàu, song song với một số phát biểu xác đáng về tiếng Việt, về ẩm thực Việt Nam, về áo dài…, nhưng chúng tôi đã biên tập bỏ đi. Tác phẩm vẫn còn chứa vài ý được diễn rất kín đáo mà nếu đọc thật kỹ độc giả có thể cảm thấy đằng sau những dòng chữ là chờn vờn một tâm lý tự ti về văn hóa dân tộc.

Làm sao mà nhà văn Võ Phiến lại tự ti thế?

Xin hãy để ý “quê hương tôi” chỉ là một nửa của đất nước thôi! Trong khi nói cho thành thật, thì những thành tích cao nhất của văn hóa Việt Nam trong chiều dài lịch sử dĩ nhiên đã được lập trên nửa khác, ngoài Bắc, nơi đất gốc của dân tộc. So “cao” về văn hóa với ai, phải căn cứ vào thành tích ở Bắc bộ. Thế mà kiến thức của nhà văn Võ Phiến về văn hóa Việt Nam ở Bắc bộ đã không bao giờ đạt độ rộng và sâu cần thiết. Ngoại trừ văn học, ông biết rất ít! Chính do cái biết thiếu ngặt nghèo ấy, mà ông không được thoải mái khi so sánh văn hóa ta với văn hóa người.

Kể ra, trên nửa phía nam của đất nước, nếu nhìn toàn thể những biểu lộ nơi con người thì có lẽ cũng vẫn thấy được đúng trình độ dân tộc. Nhà văn Võ Phiến không thấy đúng, hẳn bởi cái cách nhìn cục bộ và cái khuynh hướng nhấn mạnh tiến bộ vật chất…

Hết sức đáng tiếc, rút cuộc nhà văn Võ Phiến không biết trình độ tiến hóa của dân tộc Việt Nam bằng Paul Doumer đã biết hơn hai mươi năm trước ngày ông chào đời!

Vì không biết nên mới “Á Phi”

Không phải tình cờ mà khi bàn chuyện đất nước, nhà văn Võ Phiến hay nhắc tới Phi châu. Ông ngỡ ta chắc không hơn Phi bán khai bao nhiêu, trong khi thực ra giữa ta với họ có cái khoảng cách hai mươi mấy thế kỷ văn hiến!!!

Chỉ tính từ sau Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam cũng đã lập quốc hàng ngàn năm. Trong khi ở phần lớn Phi châu, gọi “nước” nọ “nước” kia là mới gọi thôi, các biên giới nước cơ bản chỉ là biên giới thuộc địa do các đế quốc Âu châu vẽ ra! Ta với Phi chỉ giống nhau ở chỗ cùng bị Tây chiếm, chứ về trình độ tiến hóa thì khác hẳn nhau, nhập ta vào với Phi thành “Á Phi nhược tiểu” là nhập thế nào!!! Vấn đề của ta là giành lại độc lập, tổ chức lại xã hội để cạnh tranh về vật chất với Tây phương. Vấn đề của Phi châu là tiến hóa! Pháp gọi Á Phi là đế quốc gọi chung thuộc địa, không thèm phân biệt. Còn ta phải biết cái “giá ngọc” của ta chứ! Nhà văn Võ Phiến phần không biết đúng trình độ dân tộc Việt Nam, phần không rõ tình hình ở Phi châu, phần bị ảnh hưởng lời giặc Pháp, mà đã nhầm lẫn rất to.

Học sau cũng được chứ

Nói rằng nhà văn Võ Phiến không yêu nước thì không đúng. Nhưng ông yêu nước tự ti, yêu mà không hăng hái đứng lên vì nước, vì quá nể cái kẻ đang chiếm nước!


Lòng yêu nước tự ti của ông, chúng tôi còn nhớ ngày niên thiếu ở Sài Gòn có lần trong một bữa cơm gia đình đã được nghe nó hiện ra thành một câu bình phẩm về chuyện giặc Pháp cai trị nước ta. Câu ấy “kinh khủng” tới nỗi chúng tôi thấy không nên viết ra đây.

Nhà văn Võ Phiến như thế là không giống các nhà nho Việt Nam xưa kia. Tuy rất quý Khổng Tử, nhưng cứ hễ con cháu Mã Viện xâm phạm bờ cõi là nho Việt hăng hái tham gia kháng chiến ngay, đánh cho kỳ giặc phải rút sạch về mới thôi.

Học giả Đào Duy Anh khi nghiên cứu truyền thống trí thức yêu nước trong văn hóa Việt Nam đã nhận xét rằng đến thời đánh Pháp truyền thống ấy vẫn còn. Đa số trí thức Tây học đã theo kháng chiến, nhiều người bỏ sự nghiệp thành công tột bực mà theo.

Tàu Tây có gì hay thì ta chọn học sau cũng được, đâu cần phải để cho nó kéo vào hay tiếp tục cưỡi trên cổ ta mà dạy!


Hai phát biểu riêng tư ý nghĩa

Để kết thúc những điều muốn nói về lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của nhà văn Võ Phiến, chúng tôi xin kể hai phát biểu của ông trong chỗ riêng tư.

Một hôm, về cuối thập kỷ 1990, đang trò chuyện với chúng tôi về tài hành quân thần tốc của vua Quang Trung (một đề tài ưa thích do hãnh diện địa phương), ông chợt lạc đề, trầm trồ việc những người cộng sản đã đánh bại liên tiếp hai giặc thật lớn! Ông buông ra chỉ đúng một câu rồi thôi, quay về với chuyện quân Tây Sơn như không hề đã nói gì lạ cả.


Một hôm khác, có lẽ khoảng năm 2004, 2005, cũng trong một dịp trò chuyện lan man, ông bỗng thốt lên rằng may quá, vào đúng lúc cần thì dân tộc có một người lãnh đạo hết sức giỏi là Hồ Chí Minh! Lần ấy, ông có nói thêm một chút, nhắc Hồ Chủ tịch là con một nhà nho.

Như vậy… Tiếc thay, mọi việc đã lỡ làng từ rất lâu.

Về phía chúng tôi, hai phát biểu bất ngờ nói trên của nhà văn Võ Phiến làm chúng tôi thấy nhẹ lòng đáng kể mỗi khi nghĩ về thân phụ mình như một người dân của tổ quốc Việt Nam.

Lời tổng kết về văn nghiệp Võ Phiến

Văn nghiệp Võ Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực.

Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị.

Về văn học, ấy là một tấm gương sáng về cố gắng học hỏi, trau giồi, cần lao đứng đắn, tự phát huy tối đa năng khiếu bẩm sinh.

Về chính trị, ấy là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhất, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả. Rút cuộc, nhà văn Võ Phiến đã chống cộng cực đoan hơn là những người cộng sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản!

Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị.


Nhà nước Việt Nam đã sáng suốt khi quyết định cho tái bản sách Võ Phiến trong nước. Đáng tiếc, một thiểu số đang lợi dụng tình hình quốc tế mà âm mưu tái phổ biến cả những nội dung chính trị sai lầm. Việc tái phổ biến này vừa có thể gây mất đoàn kết, hại cho nước, vừa xúc phạm sự thực lịch sử.





Tháng Tám, năm 2014


_______
(1) “… phải sang đến tận Nhật Bản người ta mới thấy được một giống dân tương xứng (…) Cả hai giống người Việt và Nhật (…) đều thông minh, chăm chỉ và can đảm (…) Người Việt (…) vượt xa các dân khác (ở Ðông Nam Á)” (P. Doumer, L”Indochine francaise (hồi ký), nxb. Vuibert et Nouy, Paris, 1905, dẫn theo Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, nxb. Truyền Thống Việt, California, 1987). Năm 1905 Nhật đang lừng lẫy, Việt đang nhục nhã: “Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”! P. Doumer thật là đại tri kỷ của dân tộc ta. Nhưng nhận định chính xác của Doumer rồi nằm sâu chôn chặt trong hồi ký, không được mấy người biết. Mà dù nhiều người Pháp có biết, thì chắc chắn cũng không vì thế mà họ tự ý trả lại độc lập cho ta. Cưỡi cổ giống dân ưu tú như thế, càng sướng chứ sao!



(2) Số liệu theo trang thevietnamwar.info và trang en.wikipedia.org.



(3) Chúng tôi chia xẻ ý kiến của học giả Nguyễn Hiến Lê rằng “thời trước nước mình không có giai cấp đấu tranh” (Hồi ký NHL, nxb. Văn Học, VN, 1992, tr. 98-99). Nhưng tuy không có vấn đề giai cấp như một kết quả của cấu trúc xã hội truyền thống, trong thời Pháp thuộc đã xảy ra chênh lệch giàu nghèo quá độ, vì lúc bấy giờ quan điển hình không còn là cha mẹ dân, không lo cho dân nữa, mà vừa ngay ngáy lo phục vụ giặc cho thật kỹ vừa ngày đêm tận tụy bóc lột dân! Dưới quan, bọn hào lý cũng bận bịu “hai lo”: một phục vụ quan, hai bóc lột dân! Và vì trên quan dưới hào đều không vì dân, nên các địa chủ cũng tha hồ bóc lột!



(4) “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu, mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại (…) Mác cho ta biết rằng sự tiến triển các xã hội trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản (…) Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn (đầu) này không? (…) (Phải) xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông” (Nguyễn Ái Quốc, bài viết năm 1924, in lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, 1995, tập I, tr. 464-469, dẫn theo Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, Hà Nội, 1998, tr. 451-452).



(5) Trong văn chương Võ Phiến ta thấy có khuynh hướng nhìn ra ngoài cuộc sống, hướng về vũ trụ thay vì nhân sinh. Nhưng lúc nào nhìn “ra” thì nhìn, còn cứ hễ quay đầu lại nhìn cuộc sống thì Võ Phiến thực tế chứ không lý tưởng.



(6) Sau khi đọc lời phê bình thẳng thắn của Nhất Linh, Võ Phiến đã cố cải tiến phần lời và đã đạt kết quả rất tốt. Lời văn truyện ông trở nên sáng nhẹ hơn trước nhiều, trong khi lời tùy bút, tạp văn tuy không bao giờ đẹp được như văn Nguyễn Tuân nhưng nhiều khi gợi cảm, có sức lôi cuốn người đọc. Nhân thể, xin nhắc người đọc bây giờ rằng nhà văn Võ Phiến đã có nhiều dịp sửa văn bản của những tác phẩm ban đầu, nên nếu căn cứ vào sách được tái bản thì sẽ khó hiểu tại sao Nhất Linh lại phê bình như vừa nói.



Nguồn: Góc nhìn

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

MINH TRIẾT DU CÔN

ĐÔNG LA



Tôi không biết Nguyễn Khắc Mai là ai, chỉ loáng thoáng thấy cái tên này gắn với cái trung tâm “minh triết” gì đó. Tôi vốn dị ứng với những từ ngữ quá kêu, bởi nếu VN ta có những nhà minh triết, những “người hiền”, những bậc cao minh thì chúng ta đâu còn là một nước kém phát triển. Đến cụ Cao Xuân Huy, thầy của các GS ngành KHXH đầu tiên, từng được Nguyễn Huệ Chi ca ngợi là “người hiền”; Lê Đạt, nhà thơ lừng danh, cũng được Nguyên Ngọc ca ngợi là “người hiền”; nhưng tôi đọc còn thấy họ viết sai tùm lum thì Nguyễn Khắc Mai, so với hai tên tuổi kia thì đúng là “vô danh”, liệu có thể là một nhà minh triết được chăng? Nên tôi không tìm hiểu bởi nếu đã đọc Nguyễn Khắc Mai viết là chắc chắn “có chuyện”. Thôi cứ để cho những người thích làm dáng tri thức, khoe chữ, họ huyên thuyên cũng chả chết ai.

Nhưng thời gian qua tôi có viết hai bài về chuyến đi lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ. Khi viết thì phải tìm hiểu những bài liên quan nên thấy “chình ình” cái bài “Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng” của tác giả NGUYỄN KHẮC MAI, xưng là Nhà nghiên cứu Minh triết Việt, đang lan trên các trang có khuynh hướng chống phá nhà nước VN. Tìm hiểu chút nữa thì thấy Nguyễn Khắc Mai không chỉ có một bài đó mà còn có nhiều bài về minh triết khác nữa, không chỉ bàn về minh triết mà còn dùng minh triết bàn về chính trị. Bàn về chính trị đã khó, về minh triết chính trị nữa lại càng khó hơn, điều này đã khiến tôi tò mò tìm hiểu. Nhưng kết quả khiến tôi “ngã bổ chửng” bởi thấy minh triết của Nguyễn Khắc Mai là thứ minh triết du côn!

Vậy Nguyễn Khắc Mai là ai? Và minh triết là gì?
Lại Google thôi, thấy Nguyễn Khắc Mai là đương kim Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, một trung tâm ra đời năm 2008, thuộc Liên hiệp các hội KHKT, y như cái Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh mà Nguyên Ngọc làm Chủ tịch HĐKH vậy, nhưng không biết có tréo ngoe là một quỹ trực thuộc TW nhưng lại được thành lập theo quyết định của UBND TP Hà Nội hay không? Còn hai chữ minh triết tưởng dễ hiểu nhưng không ngờ giới “tinh hoa” nước mình cũng lại hiểu lung tung đến vậy.
Theo một bài của TRẦN NGHĨA, PGS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm:
 - “Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi” (Hoàng Ngọc Hiến).
- “Minh triết là một trạng thái hợp lý của đời sống, diễn tả theo một cách khác thì nó nằm ở giữa chân lý và phi lý” (Trần Sáng).
-Minh triết là tính chất của tinh thần, tâm hồn và trí tuệ của dân tộc được trầm tích (Hà Văn Thùy).

Theo tôi các định nghĩa trên đều có vẻ đúng mà không đúng. Cũng như có nhiều người có vẻ tài mà không tài. Còn khái niệm minh triết thực ra là chỉ cấp độ cao nhất của nhận thức, của hiểu biết của chính con người. Theo nghĩa chung nhất của từ thì chữ “minh” ở đây là sáng suốt, chữ “triết” là hiểu biết, vậy “minh triết” là hiểu biết một cách sáng suốt. “Sáng suốt” ở đây có nghĩa cao hơn, toàn diện hơn cả tính “đúng đắn”, nghĩa là sự hiểu biết phải toàn diện, thấu suốt và tương hợp; nói theo ngôn ngữ triết học là hiểu một cách biện chứng. Vì vậy minh triết không phải là thái độ “biết sống” của Hoàng Ngọc Hiến, không phải là “trạng thái của đời sống”  theo Trần Sáng; còn với Hà Văn Thùy, minh triết đúng là “tính chất của tinh thần, tâm hồn và trí tuệ của dân tộc được trầm tích”, nhưng “tinh thần, tâm hồn và trí tuệ của dân tộc” còn “trầm tích” nhiều cái khác nữa.

Còn theo Nguyễn Khắc Mai, nhân vật của bài viết này: Minh triết chính là năng lực để sống”. Năng lực để sống là trí tuệ, tay nghề, là cần cù chịu khó, là có chí để vượt khó, để thích nghi hoàn cảnh chứ “năng lực” không phải là minh triết. Một người hiểu biết mà lười, mà không có chí thì cũng đói ăn thôi! Chỗ khác ông Nguyễn Khắc Mai cho minh triết là "vượt lên bản thân để mà hướng đến cái tốt đẹp". Câu này có thể là một lời khuyên có tính minh triết chứ không phải là minh triết.
Như vậy, Nguyễn Khắc Mai, một người chưa hiểu chính xác chữ minh triết, lại làm giám đốc một trung tâm minh triết, rồi bàn về minh triết e rằng sẽ có nhiều huyên thuyên!

***
Quả đúng vậy. Trên BBC, 9 tháng 2 2015,  Nguyễn Khắc Mai đã trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề tối quan trọng “Đảng nên chọn Tổng bí thư kế tiếp thế nào?” Có vài độc giả từng góp ý với tôi không nên bàn về những ý kiến về các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi bảo thời đại internet, thông tin lan truyền trên trời, các ông không che chắn được đâu, nhất là những trang như BBC. Tốt nhất là phải biết chúng có tồn tại, phải đối diện và tranh biện, phản bác. Biết có những dư luận xấu mà làm ngơ chẳng khác gì người ta bị trọng bệnh mà làm ngơ vậy, mà làm ngơ thì bệnh đâu có khỏi! Bài trả lời BBC của Nguyễn Khắc Mai nói trên chính là như vậy. Ông ta nói:
“"Đấy là cái hy vọng của chúng tôi và chúng tôi cũng đang mong muốn là xu hướng ấy nó sẽ xảy ra là làm sao chọn được một Tổng Bí thư mà có thể nói là không lú lẫn như anh Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) hiện nay”.
Tôi thật ngạc nhiên một ông già U90, từng là Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, một ban của Đảng, lại nói về TBT Đảng của mình một cách “du côn” như vậy. Giờ còn làm giám đốc một trung tâm minh triết nữa, thì theo tôi, minh triết của Nguyễn Khắc Mai là một thứ “minh triết du côn”!

***
Với bọn vô văn hóa, chống đối, quấy rối thì không chỉ TBT, các vị lãnh đạo, mà cả các bậc thánh nhân, các lãnh tụ cũng đều bị chúng bêu xấu diễu cợt. Tôi cũng bị bọn “sâu bọ rắn rết” chửi bậy rất nhiều, lúc đầu cũng cay lắm, nhưng nghĩ đời tất phải có kẻ xấu người tốt, nếu mình tự tin là tốt thì bọn chửi mình tất phải xấu. Còn muốn bọn xấu cũng khen mình thì buộc phải làm điều xấu thôi. Cuối cùng tôi không chấp, coi những lời chửi bậy chỉ như “muỗi đốt inox”! Nhưng chuyện ông Nguyễn Khắc Mai nói về ông Nguyễn Phú Trọng không phải là chuyện cá nhân mà là chuyện chính trị, mà với chuyện chính trị thì cái gì cũng “không chấp” đất nước sẽ loạn!
Còn ông Nguyễn Phú Trọng, với tôi, cảm giác chung nhất về ông thấy giống một ông giáo hiền lành, nên tôi đã ngạc nhiên khi biết, theo Tướng Nguyễn Thanh Tuấn, có chuyện đối đáp giữa ông Nguyễn Phú Trọng với Hồ Cẩm Đào tuyệt hay. Khi ông Đào nói "Đường chữ U là sự nghiệp của Quốc dân đảng để lại, nếu xóa bỏ thì nhân dân TQ sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ". TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "Các đồng chí nói vậy là chưa đúng, Quốc dân đảng để lại 11 khúc trong đường chữ U, thì các đồng chí đã xóa đi 2 khúc. Mặt khác, Quốc dân đảng để lại Đài Loan, nhưng các đồng chí đã không chấp nhận và muốn xóa bỏ sự độc lập của Đài Loan, nhưng nhân dân vẫn ủng hộ, như vậy, không phải vì lý do này mà nhân dân không ủng hộ ĐCSTQ". Khi ông Đào đề nghị VN ngưng hoạt động khảo sát tiềm năng kinh tế trên Biển Đông thì TBT Nguyễn Phú Trọng nói thẳng: “Chúng tôi hoạt động trong phạm vi 200 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển của LHQ năm 1982 có chữ ký của các nước liên quan đến Biển Đông, trong đó có chữ ký của các đồng chí. Quan điểm của VN là như thế đấy! Nếu TQ có quan điểm không đồng ý, thì đem ra Tòa án Công lý Quốc tế phân xử, rồi Tòa án quốc tế phán quyết thế nào thì chúng tôi sẽ chấp nhận như thế đấy".

Còn chuyện đối đáp với Mỹ, chắc nhiều người cũng có cái cảm giác không hay như tôi khi thấy một vị thủ tướng của nước mình lúng túng trước ông TT Mỹ, khi trò truyện thân tình với nhau cũng phải dùng “phao”. Mỹ nó giầu mạnh thế “khớp” cũng phải thôi. Vì thế tôi đã tò mò canh tivi xem ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đối đáp với ông Obama như thế nào? Giờ thời sự là giờ ăn tối của nhà tôi nên bà xã tôi cũng coi. Đàn bà vốn ít quan tâm chuyện chính trị nhưng vì thấy ông Nguyễn Phú Trọng “hay quá” nên vợ tôi đã phải buột miệng khen. Còn tôi thì bị bất ngờ, vị TBT của ta không chỉ bình tĩnh tự tin, làm tròn sứ mệnh, mà ở con người ông còn toát ra một phong thái có một tầm văn hóa. Tôi đã viết bài CHUYẾN THĂM MỸ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG THẬT THÚ VỊ! là vì thế.
Còn Nguyễn Khắc Mai trình độ ra sao mà dám chê một vị TBT như ông NPT? Cần phải biết không phải cứ mạnh miệng chê bôi cán bộ cao cấp thì trí tuệ mình cao cấp, phủ nhận những con người vĩ đại mình sẽ vĩ đại, mà thực chất chỉ là những thằng hoang tưởng mà thôi! Cái cần của sự phản bác là chứng cớ, lý lẽ, có lý người ta mới tin.
Tìm hiểu tí trên mạng thì biết Nguyễn Khắc Mai này “Tốt nghiệp khoa Văn – Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội”. Không phải với tất cả nhưng tôi thường rất “hãi” trí óc của mấy “bố văn sử” vì nhận thức của họ thường là cảm tính, ai có cái tôi to tướng nữa thì thường là nói bừa! Nguyễn Khắc Mai là một người như vậy.
Một người có bút danh mạng là Hoa đất trên danoanlentiengviết về vụ ông Nguyễn Khắc Mai bênh vực cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên:

“… cách tiếp cận thông tin của GIÁO SƯ còn mang tính một chiều, nên đã cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật, đang được các phần tử xấu tung hô như những anh hùng… Trong bản nhận tội viết tại cơ quan an ninh điều tra, Nguyễn Phương Uyên đã thừa nhận: “Bản thân tôi nhận thấy việc làm của mình đã vi phạm pháp luật nhà nước Việt Nam, chống lại Ðảng cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, giúp cho tổ chức phản động chống Ðảng, Nhà nước... Những việc làm này nhằm để được cung cấp máy laptop, điện thoại và hỗ trợ tiền...” … Trong thư ngỏ, Giáo sư trích dẫn: “Tôi vừa được tin sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã bị đuổi học, lý do đích thực là vì Uyên đã công khai lên án hành động làm hại đến chủ quyền và đời sống của ngư dân Việt Nam ta của phía Trung Quốc”. Vậy là đã có câu trả lời cho cho những bức xúc của Giáo Sư rồi”.
Lần đầu tiên tôi được biết đến ông Nguyễn Khắc Mai là qua một bài viết có tên là "Minh Triết Các Mác hay những nghịch lý cộng sản". Than ôi, đó là một bài viết đầy những dối trá, bịa đặt và xuyên tạc tư tưởng của Marx”; “Khái niệm minh triết của ông Nguyễn Khắc Mai là một thứ chủ nghĩa duy linh đội lốt khoa học, thế nên nó được học bằng thần hứng (trực cảm, tâm linh). Nói nôm na là người ta có thể sẽ gọi hồn ông Marx lên để học tư tưởng Marx cho nhanh”; “ông Nguyễn Khắc Mai bịa đặt hoàn toàn về từ "Kommunismus" [một từ tiếng Đức], nếu tra từ đó bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ thứ tiếng nào, với bất cứ từ điển nào thì kết quả đều là khái niệm về "chủ nghĩa cộng sản", nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế. Khái niệm "chủ nghĩa cộng đồng" mà ông Nguyễn Khắc Mai cho là đúng thì trong tiếng Đức người ta dùng một từ khác để diễn đạt, đó là từ "Kommunalismus". Các ngôn ngữ khác cũng có từ tương tự, "chủ nghĩa cộng đồng" là một khái niệm đề cập đến văn hóa và chủng tộc. Chả biết minh triết rồi sẽ đi đến đâu, nhưng "ngu" triết thì đã rất rõ ràng”.

Lữ Phương trên vietstudies có bài MinhTrietTheNaySao? Khi thấy Nguyễn Khắc Mai viết: “Cái gọi là giá trị minh triết đầu tiên của C. Mác là sự thừa nhận không có chủ nghĩa cộng sản. Hai ông nhiều lần khẳng định điều này (xem Ăng ghen trả lời phỏng vấn của K. Heinzen, cũng như bài tựa tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp)”, đã: “nhận ra những sai lầm không thể nào tưởng tượng nổi của một nhân vật “hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết”. Bởi theo Lữ Phương: “điều ông Mai gọi là “Ăng ghen trả lời phỏng vấn của K. Heinzen” thực sự là những lời luận chiến phê phán những nhận xét sai lầm của K. Heinzen về chủ nghĩa cộng sản của Marx: “Heinzen hình dung … Chủ nghĩa cộng sản không phải là một học thuyết mà là một phong trào đem vào thực hiện không phải từ những nguyên lý mà từ các sự kiện”; mà theo Ăng ghen: “Trong chừng mực là một lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản là biểu hiện lý luận vị trí của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và vô sản, là sự tổng kết những điều kiện cho sự giải phóng giai cấp vô sản”Lữ Phương kết luận: “Tôi hết sức ngạc nhiên về thái độ quá dễ dãi (hoàn toàn thiếu thận trọng) trong cách đọc văn bản của ông Nguyễn Khắc Mai cũng như cách ông viện ra khái niệm gọi là “giá trị minh triết” để giải thích xuyên tạc tư tưởng của Marx”.

Còn trong bài mới nhất mà tôi chú ý “Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng”, (tôi đọc trên http://vietstudies.info/kinhte/NKhacMai_LaiHauChuyenVoiTrong.htm), đang lan truyền trên mạng, NGUYỄN KHẮC MAI viết:
“Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi xin xỏ các nước tiên tiến giàu có: “xin công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh”. “Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy… Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cáí đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm gì”.
Viết vậy thực chất Nguyễn Khắc Mai chưa hiểu về các vấn đề kinh tế. Trong Thương Mại Quốc tế người ta cần xem xét tính chất thị trường của một nền kinh tế vì liên quan đến chuyện bán phá giá và trợ cấp, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa. Vì VN ta có ưu thế về nhân công rẻ và khí hậu, môi trường thuận lợi cho sản xuất nông sản, nên khi giao thương người ta vẫn cố cho nền kinh tế của ta còn có yếu tố phi thị trường để áp chế các điều khoản, giảm sức cạnh tranh hàng của ta. Cũng như những cái cớ về “nhân quyền”, “dân chủ” người ta muốn ta bị lệ thuộc hơn nên thường đưa ra, ta vẫn luôn đề nghị đối thoại, cởi mở, sòng phẳng cũng y như ta “xin xỏ” thế giới công nhận nền kinh tế thị trường của ta vậy. Còn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì nếu Nguyễn Khắc Mai có đọc Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 2/2001 định nghĩa về nền Kinh tế Mỹ thì sẽ thấy nền Kinh tế Hỗn hợp của Mỹ có nhiều nét tương đồng với nền kinh tế có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” của ta!

Nguyễn Khắc Mai rất sai khi viết: “Riêng cái yếu tố, tôi cho là cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là quyền sở hữu, thì chúng ta đang rất lạc hậu, lúng túng” vì cái chính của kinh tế thị trường là tuân theo quy luật cung-cầu chứ không phải là chuyện sở hữu. Còn ông đòi sở hữu tư nhân mọi chuyện thì tôi cũng đã viết: “Nếu việc sở hữu tư nhân đất đai được hiến định thì người có tiền hoàn toàn có thể chiếm giữ được những vị trí chiến lược, những nơi hiểm yếu. Mà lực lượng chống phá đất nước nếu cần thì sẽ không thiếu tiền”; “Tương tự, dân ta cũng phải đổ bao mồ hôi và máu để giành lại tài nguyên, khoáng sản. Vì vậy như đất đai, tài nguyên và khoáng sản cũng phải thuộc sở hữu toàn dân, tức thuộc kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó, những lĩnh vực, ngành nghề trọng yếu, xương sống của nền kinh tế cũng phải thuộc kinh tế nhà nước. Chỉ như vậy đất nước mới có sức mạnh và giữ được sự ổn định”. Còn riêng ý này của tôi phản biện nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về việc xác định tính chủ đạo của nền kinh tế: “Nếu cho lĩnh vực nào làm nhiều tiền hơn là chủ đạo thì chỉ là tư duy của cái dạ dầy thôi. Còn với tư duy của đầu óc thì thấy ăn uống để sống quả quan trọng, nhưng khi đất nước mất ổn định thì người ta không thể ngồi yên mà ăn được đâu!” cũng có thể là một ý minh triết!

Nguyễn Khắc Mai “tâm sự” với TBT NPT: “Anh từ Mỹ về, hãy đem những “thực tế văn minh tiến bộ của một Dân tộc hiện đại” làm bài học cho Việt Nam. Hãy từ bỏ cách nghĩ thực chất là của Liên Xô và Trung Cộng, chúng mớm cho ta kèm theo với vũ khí và lương thực, rằng Mỹ là đế quốc sài lang, là kẻ thù nguy hiểm nhất”. Một người học Văn- sử mà viết vậy đúng là mù lịch sử. Chỉ những thằng ngu mới phải cần người khác chỉ cho biết những người xâm lược mình là ai. Nước ta nhược tiểu, hai bàn tay trắng, vậy muốn giành được độc lập buộc phải đi nhờ vả. Nhưng thực tế trong hai cuộc kháng chiến ta hoàn toàn không phải là con rối cho các nước lớn giật dây, mà  nếu hiểu lịch sử thì phải biết, chúng ta đã không chỉ một lần vượt qua sự sắp xếp của các nước lớn, để thực hiện được mục tiêu tối thượng là giành lại nền độc lập, thống nhất đất nước của mình.
***
Quay lại bàn thêm chút về minh triết. Hoàng Ngọc Hiến, một học giả được nhiều người cho là thông thái nên cũng hay bàn về minh triết. Nhưng với tôi thì thấy ông có không ít những điều nhận thức còn chưa minh triết. Hồi ông còn sống, tôi đã viết một bài phản biện bài của ông bàn về chuyện Lão Tử và Lê Quý Đôn có quan niệm khác nhau về hai khái niệm vô và hữu của tư tưởng cổ phương Đông. Hoàng Ngọc Hiến cho hai quan điểm đều tuyệt vời cả, còn tôi thì cho ý HNH vậy là phi lý, bởi hai ý ngược nhau thì một cái phải đúng, một cái phải sai! Trong bài LUẬN BÀN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ MINH TRIẾT (Góp phần định nghĩa minh triết) Hoàng Ngọc Hiến đã viết khá kỳ công nhưng tôi thấy có nhiều ý cũng lại khôngđược minh triết. Ông lấy hai ví dụ về minh triết:
-Tôi có đọc một công trình lý luận tác giả viết những trang rất hay về vấn đề tư hữu. Nhưng vấn đề chỉ sáng bừng lên khi tôi đọc dến câu của Balzac được tác giả trích dẫn: “Người mà không có gì là kẻ không ra gì”. Câu của Balzac là minh triết. Mác đã viết những trang cứ liệu uyên bác, lập luận đanh thép để đi đến một kết luận quyết liệt: bãi bỏ tư hữu. Giá như Mác có thêm được minh triết của Balzac chắc chắn ông suy nghĩ khác và học thuyết của ông không phải là chủ nghĩa Mác như chúng ta biết.
-Hôm vừa rồi, đến thăm chùa Quang Ân (Hà Đông cũ) tôi thấy môt bức trướng ghi lai 14 lời khuyên của Phật, do Thượng tọa Kim Cương Từ sưu tầm. Câu đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”…

Trước hết, Hoàng Ngọc Hiến hiểu Mác như trên là không minh triết, bởi Mác không “bãi bỏ tư hữu” theo cách hiểu thô thiển như vậy. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản là biều hiện cuối cùng và hoàn bị nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên cơ sở …  những người này bóc lột những người kia. Đến tận hôm nay, vẫn còn những cuộc biểu tình chống lại “chế độ sở hữu tư sản ấy” như phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” từng nổ ra ngay trong lòng nước Mỹ, của những người “đại diện cho 99%” dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế giới tư bản nói chung.
Còn hai thí dụ trên thực chất là ngược nhau, Hoàng Ngọc Hiến cho cả hai là minh triết cũng lại không minh triết. Câu trên ca ngợi sự sở hữu, tức cái “của tôi”; còn lời khuyên của Phật: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình” nếu ai hiểu đạo Phật thì phải biết “chính mình” là cái tôi. Theo Đạo Phật cái tôi là giả tạm, ba móntham, sân, si là những “độc dược”, tạo nghiệp nặng, lại là những món nó “khoái khẩu”, mà tham liên quan đến chuyện “sở hữu”. Nói hai câu ngược nhau là vì thế.
Nói chung Minh triết là những nhận thức sáng suốt, thông thái. Phương Đông cổ thường chú ý quan hệ giữa người với người nên thường có những ý sâu sắc, sáng suốt trong việc đối nhân xử thế, cái đó đều có tính minh triết. Nói Phương đông nghiêng về minh triết là thế, nhưng không thể nói phương Đông cổ hoàn toàn không có nền triết học được. Triết học là một sự đẩy lên cao hơn, coi nhận thức là một khoa học, phương Tây đã nghiêng về điều đó. Phương Tây không chỉ tìm ra quy luật nhận thức của con người mà còn nghiên cứu mối liên hệ giữa tâm và vật, giữa con người với thiên nhiên. Vì thề phương tây có cả một lịch sử triết học với những chủ nghĩa, trường phái khác nhau.

***
Tóm lại, cái nền để một người có nhận thức minh triết chính là tri thức sâu rộng, sự từng trải. Chỉ có vậy anh mới hiểu đúng, từ hiểu đúng anh mới biết hành động sáng suốt và phù hợp. Đó chính là minh triết. Hiểu đúng còn chưa xong thì lấy đâu ra minh triết? Với một đất nước cũng vậy, chỉ có những lãnh đạo tài đức, với một xã hội có trình độ cao ở mọi mặt, sẽ có một đường lối minh triết và các biện pháp minh triết biến đường lối thành hiện thực.
Tiếc là nước ta còn chưa được như vậy nên mới có “lỗi hệ thống”. Nhưng chẩn bệnh đúng cho hiện trạng xã hội hôm nay và đưa ra được toa thuốc phù hợp cũng rất cần những tư duy minh triết.
21-7-2015
ĐÔNG LA

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

RỜI BỎ HỘI NVVN NGUYÊN NGỌC TỰ NÉM MÌNH VÀO TĂM TỐI



Lỗi lầm là của Nguyên Ngọc:
Khi Nguyên Ngọc  và một số Nhà văn cùng hội, cùng thuyền với mình ra tuyên bố thành lập “Văn Đoàn Độc lập” (Ngày 3/3/2014) -  một tổ chức ngoài Hội Nhà Văn Việt Nam,  nơi mà Nguyên Ngọc và những người kia đã từng được nuôi nấng để lớn lên trên văn đàn Việt Nam sau hòa bình (1957). Việc này làm cho dư luận thắc mắc và tự hỏi có phải Nguyên Ngọc và những người cùng phe của mình muốn đối lập với Hội Nhà Văn Việt Nam,  và ông ta chọn đây là cơ hội tốt nhất của đời ông vùng lên thoát khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam về văn học rồi từ đó ông và những kẻ cùng hội cùng thuyền của mình  với cảm hứng mới không bị đè nén bởi lý luận Cộng Sản họ sẽ có những tác phẩm tót vời, những áng văn xuất sắc có thể  tự tin thi thố với các tác phẩm được giải Nobel, làm rạng rỡ nền Văn học Việt Nam mà trước đó chưa ai làm được ngoài ông ?
Tuy nhiên đi ngược lại thời gian ta thấy những hành vi của Nguyên Ngọc làm cho những người lương thiện đặt dấu chấm hỏi nghi ngờ...


Chúng ta chưa quên khi được giao nhiệm vụ làm Tổng biên tập Báo văn nghệ và Phó tổng thư ký Hội Nhà Văn VN Nguyên Ngọc đã o bế Nguyễn Huy Thiệp (1), Phạm Thị Hoài cho đăng những chuyện ngắn, những tiểu luận chửi vung vít các Danh nhân và Lịch sử Việt Nam. Cho đến lúc Nguyễn Huy Thiệp bị bắt do vi phạm pháp luật Việt Nam khi viết lời thoại cho một bộ phim được dàn dựng và đạo diễn ở Pháp nội dung anh ta chửi bới tất cả Dân tộc Việt Nam và bị sửa đi sửa lại nhiều lần cho hợp với ý đồ xấu của họ, rồi Thiệp lén lút nhận một số tiền của kẻ đặt hàng ! Lúc này Nguyên Ngọc mới bị tổ chức phê phán và cách chức buộc rời  khỏi các vị trí quan trọng nhất trong đời văn của ông mà trước đó ông  mơ tưởng mình sẽ là người quyết định bước đi tới của sự nghiệp Văn học Việt Nam, thiên hạ sẽ nằm trong tay ông, rồi họ  sẽ ngưỡng mộ ông, coi ông là lãnh tụ tinh thần của họ !


Nguyên Ngọc cùng với những đồng đảng của mình

Nguyên Ngọc tự ném mình vào đen tối:

Lẽ ra nếu có vấn đề gì chưa ổn thỏa với Hội Nhà Văn nơi Nguyên Ngọc đã từng là người lãnh đạo, đó cũng là nơi ông được ưu đãi, được chăm sóc mà lớn lên mà trưởng thành, nơi đó Nguyên Ngọc đã được mở mang đầu óc, được học tập, được nổi tiếng thì cho dù Hội có sao đi chăng nữa, với nhân cách của người vị tha và xây dựng ông ta phải có một thái độ tử tế và lương thiện để ứng xử trong sự việc này.
Nhưng không, ông ta  liền quay ngoắt lại chống Hội Nhà Văn nhưng thực chất là chống phá Nhà nước Việt Nam; qua các tham luận tại các hội thảo Nguyên Ngọc liên tục đưa ra những khái niệm mới do ông nghĩ ra nào là “Tất cả các tác phẩm  văn học viết trong chiến tranh (Việt Nam) đều là những kiểu viết “minh họa” đầy chất đặt hàng của Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của Nhà văn. Do đó những tác phẩm thời chiến không có giá trị, bây giờ ta phải có nhận thức mới để thoát khỏi sự can thiệp của Đảng. Những nhận định hồ đồ thiếu suy nghĩ này không biết ông ta có nghĩ tới rằng Đất Nước Đứng Lên, Rừng Xà Nu, Đường chúng ta đi, Đất Quảng (1) có phải do ông đã  ngu ngốc “minh họa”  theo đơn đặt hàng của  Đảng hay ông tự viết  ra từ cảm xúc một người lính khi đối mặt với kẻ thù gian ác mà chính ông đã từng vạch tội chúng trong các tác phẩm nói trên ?

Vì muốn trả thù Đảng do bất mãn mà Nguyên Ngọc không kiềm nổi chính mình đã điên cuồng  làm những hành vi sai trái "cho nó ra sao thì ra",  ông vội quên đi những dòng viết còn chưa ráo mực của ông rằng :Ngày xưa, người đối với người coi nhau như thú dữ, bây giờ có Đảng, có chính phủ, có cán bộ… người với người mới tin yêu nhau, giúp nhau như thể anh em một nhà vậy. Đó là bản chất của Chủ Nghĩa Xã Hội chúng ta đấy bà con ạ...”. (xem Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, khi ông viết về vùng cao Mèo Vạc) .

Trước khi hô hào, vận động để thành lập Văn Đoàn Độc Lập, Nguyên Ngọc có một “âm mưu rất chiến lược” mà chỉ có người ngây thơ về chính trị mới không nhận ra: Đó là ông đi diễn thuyết từ Nam chí Bắc cao giọng hô hào, khuếch trương, ca ngợi nêu gương, tô son trát phấn cho Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, ông và đồng đảng mới của ông cho rằng Phan Châu Trinh mới là người yêu nước chân chính và nếu Dân tộc Việt Nam  biết đi theo con đường của  Phan Châu Trinh phải “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”  thì đất nước ta “sẽ không điêu tàn như ngày nay”;  cái cốt lõi của Nguyên Ngọc muốn làm là phủ định sạch trơn Chủ nghĩa Xã Hội ở Việt Nam,  phủ định sự lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Việt Nam  và cuối cùng Nguyên Ngọc cũng không còn dấu nổi hành vi phản đảng tất yếu của mình: “ló cái đuôi con hồ ly tinh” mà bao năm y dấu kín, là thò tay ký “Bản góp ý  Sửa đổi Hiến Pháp 2013” mà trong đó Ngọc cùng phe lũ phủ định hoàn toàn Đảng Cộng Sản, như bỏ điều 4 trong Hiến Pháp,  chấp nhận đa nguyên, đa đảng, đổi tên nước, thay quốc kỳ, lập lưỡng viện, thực hiện tam quyền phân lập v.v...
Nhận thức lại hay sự phục thù:

Nguyên Ngọc và những người "dân chủ" thường cùng "Anh thư " Bùi Thị Hằng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, ra nhiều yêu sách đòi Việt Nam phải đánh Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng kiện Truyền hình HN vì đã gọi ông và Nguyễn Huệ Chi là "những tên phản động"
Tuyên bố thành lập “Văn đoàn độc lập”  Nguyên Ngọc đưa ra cái lý do:” Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc. Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình…”


Nguyên Ngọc đưa ra cái lý do rất kỳ quái và giả dối, thực tế từ sau khi thống nhất đất nước  đội ngũ những nhà viết văn chúng ta ngày càng đông đảo bao gồm nhiều nhà văn viết dưới chế độ cũ, và đóng góp nhiều tác phẩm văn học có giá trị được dư luận và bạn đọc trong nước, ngoài nước hoan nghênh và cỗ vũ. Nhiều thành viên của Hội nhà văn được đào tạo chính quy ở trong nước hoặc nước ngoài, quan hệ giao lưu giữa Hội và Quốc tế bè bạn ngày một  cởi mở, đổi mới. Bỗng nhiên Nguyên Ngọc giả vờ thức tỉnh và phủ định sạch trơn những thành tựu văn học kháng chiến trong đó có những tác phẩm của chính mình. Nguyên Ngọc đã bất lương kéo còi báo động giả, vì  không hề có  chuyện làm cho  Nguyên Ngọc và những kẻ đồng đảng “lo lắng đầy trách nhiệm” là hiện nay Văn học Việt nam đã “đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất…” và  “ đã  lộ rõ nguy cơ uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc”.
Chính Nguyên Ngọc  và đồng đảng mới là nhân tố xấu kích động cho sự mất an toàn của sự tồn vong của nền văn học Việt Nam qua  việc bọn họ ca ngợi, khuyến khích, o bế đánh giá cao, kết bè với nhóm văn chương quái gỡ Mở Miệng nơi mà từ ngữ trên thơ văn được cho là “thơ rác, thơ thối” vô cùng  bẩn thỉu tục tĩu của nhóm thơ này  nó được bày trên “bàn tiệc thơ”  mà thực khách là  Nguyên Ngọc cùng đồng lõa đã khoái trá thưởng thức những bộ phận sinh dục, những kiểu làm tình của loài dê chó, những câu thơ mà chính cha mẹ, người thân của các “nhà thơ Mở Miệng”  đó (Khúc Duy, Bùi Chắt, Lý Đợi, Nguyễn Quán) cũng phải quay mặt buồn nôn, khinh bỉ và  nguyền rủa !!! Vậy thì cái “nguy cơ của tồn vong dân tộc” do Nguyên Ngọc tuyên bố là láo toét, là  giả  nó xuất phát từ trái tim đen tối, hằn học muốn trả thù cho bỏ tức, nham hiểm hèn hạ ứng dụng theo hành vi của loại côn đồ ở chợ Cầu Muối như người Sài Gòn thường ví von cho kẻ bất lương giả dạng tử tế !  cuối cùng "tham vọng soán ngôi của rác thối" do Nguyên Ngọc và đồng đảng đề xướng đã bị thất bại và bị dư luận lương thiện lên án gay gắt, Nguyên Ngọc một ông già hơn 80 tuổi đã điên dại bán danh dự mình cho lũ trẻ vô giáo dục, càn quấy trong cái gọi là "Nhóm Mở Miệng" !
Nguyên Ngọc luôn luôn dẫn đầu các đoàn biểu tình ở Hà Nội để hô hào chống Trung Quốc, mục đích chính của ông ta và bè lũ là phá hoại Chính sách kiên trì giữ gìn hòa bình của Chính phủ Việt Nam qua các sự cố biên giới và biển đông, việc làm của Nguyên Ngọc lộ rõ bản chất lưu manh, thấp kém của một người đã được Cách mạng nuôi dưỡng, giáo dục từ năm ông ta 13 tuổi đến giờ mà vẫn không tiến bộ.



Tại sao Nguyên Ngọc lại quay ngoắt lại như vậy:
Mọi chuyện đều có nguyên nhân chính của nó, như tôi đã nói ở trên, khi bị buộc từ chức Tổng Biên tập báo Văn Nghệ và cách chức Phó TTK Hội Nhà Văn, vì những sai lầm có tính nguyên tắc, Nguyên Ngọc về hưu ôm khối hận thù  chờ cho đến một ngày... 10 năm sau mới trả…
Năm 2000 Nguyên Ngọc được mời nhận Huân chương Độc Lập hạng nhì, nhưng từ chối không nhận, bác bỏ nó vì có hai lý do mà mọi người ở làng văn đều biết: Nguyên Ngọc tự cho mình phải được hạng nhất, có cống hiến nhiều thế, có nằm gai, nếm mật nhiều thế sao lại hạng nhì, thế đứa nào là hạng nhất. Nhưng thực tế năm đó không có ai  giành hạng nhất. Người ta biết thừa rằng  Nguyên Ngọc bực tức, bất mãn đến điên cuồng vì các thành viên trong Đội đồng xét duyệt các Giải thưởng văn học năm ấy không bỏ phiếu cho ông để được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh! Và sau đó còn vài giải nữa Nguyên Ngọc đều tẩy chay cho mình phải là người đoạt hạng nhất, hạng thấp hơn là đồ bỏ, ông không nhận. Ông ta muốn mọi người tôn sùng ông, coi ông là lãnh tụ văn học, ông phải là con người quyết định mọi việc cho người khác, không ai có quyền quyết định ông.
Nguyên Ngọc là người có bản tính cố chấp đến cùng; trong một bài viết nịnh Nguyên Ngọc nhưng Trần Đăng Khoa cũng đành phải buột miệng: “Nguyên Ngọc  gàn lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại thì lập tức ông hoá thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái cánh tay bị níu giữ ấy ngay...” Đúng thật vậy Nguyên Ngọc đã trải qua hết sai lầm này đến sai lầm khác mà ông không hề biết dừng lại dằn mình xuống tự vấn, cho dù biết là mình đã sai lầm  nhưng vẫn điên dại lao lên làm bậy như một con thiêu thân, ông thật là có cái "cốt cách gian manh của Tào Tháo" Nhưng Tào Tháo khi biết mình sai tuy không nói ra nhưng Tháo còn cố sửa chữa cái sai ấy, còn Nguyên Ngọc luôn vênh vang cho mình là người không bao giờ sai, không ai được nói ông sai, ông là mẫu mực, là bất khả phê phán. ông đứng trên tất cả mọi người !


Văn đoàn độc lập, nơi tụ tập, kết bè của kẻ bất mãn, bọn chống phá, lũ chiêu hồi để trả khối hận thù chứ không phải vì nền Văn học chân chính:

Người ta đọc danh sách 61 người ký tên vào bản tuyên bố thành lập Văn Đoàn Độc lập không rõ từ ấy đến nay có thêm nhân vật nào ký tên thêm nữa không chỉ biết có một người đã chết (Bùi Ngọc Tấn) vài người vào tù, và có một số người rút tên khỏi hội của Nguyên Ngọc đó là: Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Trần Kỳ Trung. Lướt qua 61 gương mặt  Nhà Văn ấy ta thấy ít nhất là 15 người đã từng vào tù vô khám vì lý do làm gián điệp cho nước ngoài, tham nhũng, lợi dụng tự do để viết bậy, vài người là chiêu hồi chạy trốn đang sống lưu vong ở nước ngoài, 12 người là  gốc Việt có quốc tịch nước ngoài. Hầu hết họ đều là những người có ân oán với Dân tộc ! Những nhà văn nói trên trừ Nguyên Ngọc chẳng ai có gương mặt sáng sủa và có tác phẩm nào đáng giá để cho công chúng đọc. Nếu có chăng là  một vài tác giả vì “nhận thức lại” đã bị khai trừ khỏi đảng như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lính, Hoàng Hưng… Điều làm chúng ta chú ý là trong danh sách trên có nhiều người có quốc tịch nước ngoài cũng đã có dày dạn “thành tích” chống phá Tổ Quốc nhưng lại có tiềm năng kinh tế, Nguyên Ngọc láu cá bắt được cả hai tay: Vừa có ý “hòa hợp hòa giải” một động thái  xu nịnh bọn chống Cộng ở nước ngoài, vừa kiếm  được chỗ tài trợ cho hội của ông !


Một năm đi hai dây.

Tính từ ngày 3/3/2014 khi ra tuyên ngôn thành lập, chưa thấy hội của Nguyên Ngọc làm thêm được cái trò gì, chỉ với một vài giải thích khiến người ta nghĩ đây là hội hè của bọn lừa đảo là: "Hội này không có mâu thuẫn, cạnh tranh hay đối lập với Hội nhà Văn Việt Nam", bọn họ tỏ vẻ yên hùng nhưng lại hèn nhát sợ bị  Pháp luật Việt Nam trừng trị, vì theo luật Việt Nam khi anh muốn lập hội có tầm Quốc Gia phải được sự chấp thuận và ra quyết định của chính quyền cấp Nhà Nước, nếu chưa có Quyết định thì  mọi hoạt động đều bị coi là ngoài vòng pháp luật. Nguyên Ngọc cũng tự cho mình là “kẻ có tóc” nên y phải rình rập nghe ngóng rồi mới dám đi bước nữa. Tấm gương nhãn tiền của Hội "Những người kháng chiến cũ” còn đó: Những nhân vật cộm cán “vua biết mặt, chúa biết tên” như Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Nam Khánh... hễ cà chớn chống lại Nhà nước đến mức làm mất an toàn chế độ  thì… còn có thể bị tống vào tù chứ thá gì cái thứ loại ba như Nguyên Ngọc !



Cái mốc là ngày 5/5/2015 tại đại hội Nhà văn  Cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, để tiến tới Đại hội Nhà văn Toàn quốc vào tháng 7/2015. Dách sách các Nhà văn  vừa có tên trong Hội Nhà Văn Việt Nam vừa có tên  trong  Văn Đoàn Độc Lập yêu cầu bị gạch tên không để chúng tham dự Hội Nhà văn VN nhiệm kỳ này. Có tiếng bấc, tiếng chì trong vấn đề này nhưng tôi nghĩ việc gạch tên chúng là hoàn toàn đúng. Vì theo Tuyên bố của  Văn Đoàn Độc lập có nói rõ: “ Ở trong hội Nhà văn Việt Nam các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng…”
Tuy nhiên cả hai phía đều im lặng hàng năm trời, chỉ khi Đại hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh  gạch tên những thành viên của Văn Đoàn Độc Lập thì lập tức (11/5) có 20 người vừa tham gia Hội Nhà văn Việt Nam vừa tham gia Văn đoàn độc lập hoảng hốt ra tuyên bố  rời bỏ Hội Nhà văn Việt Nam trong đó có Nguyên Ngọc, hai mươi người này đã chơi trò xiếc đi trên dây từ ngày ra tuyến bố thành lập Văn Đoàn Độc Lập (3/3/2015) tới giờ. Có lẽ bọn họ vừa lo lắng, vừa âm thầm chờ đợi sự xuống thang, lời mời mọc vỗ về, kèm theo lời hứa hẹn của Hội Nhà Văn Việt Nam giành họ một chỗ đứng xứng tầm với họ, nếu như không muốn sập tiệm, tan tành vá may! Qua việc này mới thấy Nguyên Ngọc kẻ luôn kiêu căng cho mình là có “tầm cao” nhưng thật ra không phải như thế…Vì không lương thiện nên các mưu mô gian xảo đều dẫn đến trò chơi lạc nước rồi... cụ Nguyên Ngọc ơi !


Số phận của cái gọi là Văn đoàn Độc Lập:

Năm 1990 -1991, khi Đảng Cộng Sản Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ thì dư chấn của nó lay chuyển đến tận Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 400 ngàn Đảng Viên tự rời bỏ Đảng, có người ra tuyên bố công khai, có người lẳng lặng chuồn. Nhiều người tưởng rằng rồi Đảng CSVN cũng sẽ bị sụp đổ như Liên Xô vậy, nhưng đâu có chuyện đó, chỉ thấy thấm thía là cuộc đời này vẫn có nhiều những anh chàng sống theo “thế thái nhân tình”…có ăn thì nhào vô kiếm chác, có khó khăn thì mạnh thằng nào thằng ấy chạy, sống chết mặc bay, nhưng mồm thì luôn rao giảng  đạo đức làm người…Những người rời bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam chính là những kẻ như vậy !

Mới đây chỉ mới một năm, Đảng viên có 40 năm tuổi đảng: Lê Hiếu Đằng đang yên lành, bị kẻ xấu chọc ngoái, bỗng ông ta bật lên như cái lò xo, rồi om sòm chửi bới, nguyền rủa  và tẩy chay đảng, kết tội Đảng CSVN là “độc ác hơn Ngụy”,  ông tố cáo Đảng CSVN “đã lừa ông từ một Sinh viên ở đô thị miền Nam đang sống tự do và sung sướng bỏ chạy vào bưng biền, hy sinh chiến đấu, chịu hiểm nguy và đói khát gần chục năm trời mà khi ra Thành phố thì cả ông và nhân dân ông  không kiếm được gì...” Cho nên ông tuyên bố  rời bỏ đảng, thành lập đảng Dân chủ Xã hội “để cho Đảng biết mặt ông” và "sau khi tôi ra khỏi đảng rồi sẽ có hàng triệu người noi gương tôi cũng  sẽ bỏ đảng, nên đảng nhất định sụp tiệm" ! Lê Hiếu Đằng già cả thành lú, ông không thuộc câu ngạn ngữ Việt Nam "Không mợ thì chợ vẫn đông, mợ đi đánh đĩ chăng mong mợ về."

Sau đó vài tháng thì Lê Hiếu Đằng chết, mộng bá vương khi đã ở tuổi 70  đã tan vỡ theo căn bệnh ung thư tiền liệt tuyết quái ác, nếu không có nó thì…Cộng Sản sẽ toi đời trước ông !

Số phận của Nguyên Ngọc và cái Văn Đoàn Độc lập của ông nhất định cũng cùng chung số phận với Lê Hiếu Đằng, bởi những người lập ra nó, đều có mục đích tăm tối, hận thù, phiêu lưu của kẻ lang bạt; bọn họ đã rất già nua cả tâm hồn và sức lực (Nguyên Ngọc 84) còn tài năng và nhân cách thì còn thấp kém hơn cả Lê Hiếu Đằng.


Chế Trung Hiếu.


---------------------------------------------------------------------
(1) Nguyễn Huy Thiệp đã từng nhận định về Hội Nhà Văn Việt Nam rằng: "...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều..."vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả..."
(2) Những tác phẩm văn học của Nguyên Ngọc, riêng Đất Quảng ông chỉ viết đến Tập 1..