Người Việt:
Phim ‘Terror in Little Saigon’: Con trai Ðạm Phong lên tiếng
LTS – Phim tài liệu “Terror in Little Saigon” do phóng viên điều tra A.C. Thompson thực hiện, trình chiếu trên chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS, và phổ biến trên trang mạng ProPublica, tối ngày Thứ Ba, 3 Tháng Mười Một, gây xôn xao tranh cãi trong dư luận.
Người cho rằng thông tin trong phim không có gì mới. Người cho rằng các nguồn tin giấu tên thì không đáng tin cậy. Có người đặt câu hỏi tại sao cuốn phim lại ra đời vào lúc này, khi chuyện đã xảy ra hơn 30 năm. Ðặc biệt hơn, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là thành viên cao cấp của Mặt Trận, người được phỏng vấn và xuất hiện trong phim, nói rằng “lời dẫn giải của phim bị bẻ quặt, cố tình tạo hiểu lầm.”
Ðể rộng đường dư luận, hôm 7 Tháng Mười Một, nhật báo Người Việt đăng tải ba bài phỏng vấn người trong cuộc, gồm phóng viên A.C. Thompson, người thực hiện phim, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu vụ trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận, và ông Hoàng Cơ Định, cựu vụ trưởng Tài Chánh của Mặt Trận.
Hai ngày sau khi những bài phỏng vấn nói trên được phổ biến, ông Nguyễn Thanh Tú, con trai nhà báo Nguyễn Ðạm Phong, chủ nhiệm tờ Tự Do, bị ám sát năm 1982, tại Houston, Texas, viết thư cho tòa soạn báo Người Việt.
Thư viết:
“Tên tôi là Nguyễn Thanh Tú. Tôi là một nhân vật trong phim Terror in Little Saigon. Mặt Trận cứ việc tha hồ phủ nhận rằng không hề biết có đơn vị K9. Tôi có thể nói với quý vị rằng gia đình tôi ngày nào cũng liên tiếp phải nhận những lời hăm dọa từ Mặt Trận…
…Cha tôi, Nguyễn Ðạm Phong, đã dành số báo Tự Do cuối cùng của ông để phơi bày sự gian lận của các lãnh đạo Mặt Trận. Ðiều trớ trêu là, nhiều người quay lưng với cảnh sát của thành phố Houston, và cơ quan FBI khi cha tôi bị ám sát vào năm 1982, rất có thể giờ đây đồng ý là quan điểm của bố tôi đúng. Vấn đề là, ông đã đúng, nhưng ông đi trước mọi người những 33 năm. Tôi là nhân chứng cho “sự thực” còn sống, chứ không phải những lời đồn đãi. Tôi từng tham dự những buổi gặp gỡ thành viên Mặt Trận với bố tôi và chứng kiến những chiến thuật họ sử dụng, từ mua chuộc đến hăm dọa.”
(Hết thư)
Ông Nguyễn Thanh Tú, con trai nhà báo Nguyễn Ðạm Phong, trong một lần tiếp xúc với phóng viên A.C. Thompson, ProPublica. (Hình: Edmund D. Fountain/ProPublica) |
Ông Nguyễn Thanh Tú, năm nay khoảng 50 tuổi, kể lại diễn tiến dẫn đến sự việc thân phụ mình bị ám sát, những kỷ niệm với bố, và tâm tư của mình, trong cuộc phỏng vấn dưới đây, do ký giả Hà Giang thực hiện.
Hà Giang (NV): Cảm ơn ông đã tin tưởng nhật báo Người Việt để chia sẻ tâm tư của mình. Trước hết, là một ký giả, chúng tôi muốn bày tỏ niềm đau xót trước sự việc các nhà báo thuộc thế hệ trước mình bị ám sát.
Nguyễn Thanh Tú: Tôi thấy có nhiều người bàn luận về vấn đề nhưng không nắm rõ sự kiện, như cụ cựu đại tá gì đó, nói trên đài truyền hình ở bên Cali. Cụ nói là Mặt Trận ra đời năm 1982, thì làm gì mà dính líu đến chuyện giết người từ năm 1981. Ở trong phim, ông Ðỗ Thông Minh, một trong những người sáng lập Mặt Trận, nói là nhóm này [Mặt Trận – NV] thành lập năm 1980, họ không thông báo gì cho đến năm 1982. Họ giết bố tôi Tháng Tám ngày 24 Tây, năm 1982. Cái ngày họ lập giấy tờ không quan trọng. Sự kiện lịch sử nó quan trọng hơn.
NV: Vâng, xin ông cho biết ông là người con thứ mấy trong gia đình, và gia đình ông qua Mỹ định cư năm nào?
Nguyễn Thanh Tú: Tôi là Nguyễn Thanh Tú, tôi là con thứ sáu trong gia đình mười người con của bố tôi, nhà báo Nguyễn Ðạm Phong. Gia đình tôi qua Mỹ năm 1975.
NV: Ông có thể nói sơ về sự nghiệp làm báo của thân phụ ông trước khi gia đình ông qua Mỹ định cư?
Nguyễn Thanh Tú: Bố tôi ngày xưa là một ký giả có tiếng tăm ở Sài Gòn. Ông viết với bút hiệu Ðạm Phong. Lúc đó ông làm cho tờ báo Trắng Ðen của Việt Ðịnh Phương, báo Tiền Phong, Chính Luận, Văn Nghệ Tiền Phong. Ông vào nghề viết báo đã rất lâu rồi, không phải là một “novice” [tay mơ – NV].
NV: Xem cuốn phim Terror in Little Saigon thì thấy ông có vẻ gần gũi với thân phụ. Trong thời gian bố ông bị ám sát, ông bao nhiêu tuổi? Ông còn nhớ những kỷ niệm làm báo với bố không?
Nguyễn Thanh Tú: 19 tuổi. Lúc đó tôi đi học, nhưng ngày nào cũng phụ bố tôi đi bỏ báo thành ra hay nói chuyện với ông. Tôi biết những người như ông Hoàng Cơ Minh, ông Phạm Văn Liễu là những người bố tôi biết từ Việt Nam. Biết qua, không phải thân, mà quen biết. Lần đầu tiên Mặt Trận mời bố tôi tới tham dự buổi gây quỹ. Bố tôi thấy đông lắm, rất là đông. Họ gây quỹ nhiều tiền lắm. Họ nói là họ hy vọng bố tôi sẽ viết một bài để khen họ. Ðể tôi giải thích sơ về cái thời đó. Người ta gọi là thời “cởi truồng chạy khắp phố.” Cuối thập niên 70s, đầu thập 80s có rất nhiều tổ chức chống Cộng ra đời. Muốn nổi bật thì phải có báo chí viết, để người ta tò mò, để tạo ra huyền thoại. Có điều, có thể lãnh đạo của họ thì biết bố tôi là ai, nhưng những người mời bố tôi viết họ không biết bố tôi là một nhà báo nhiều kinh nghiệm, họ tưởng là người mới ra nghề. Khi thấy họ gây quỹ được rất nhiều tiền, thì bố tôi hỏi các anh gây quỹ được nhiều tiền như vậy thì có sổ sách gì không, để cho những người ủng hộ họ biết tiền của họ đi đâu, làm việc gì không. Thì có người, tôi quên tên rồi, nói có chứ anh, có gì chúng tôi làm sổ sách rồi sẽ cho anh biết. Bố tôi lại hỏi vậy người kế toán, người giữ sổ sách tên gì. Lúc đó khi bố tôi hỏi, thì họ mới đưa tên này tên kia. Nhưng theo kinh nghiệm và trực giác của nhà báo thì qua cách trả lời của họ, bố tôi lúc đó trong bụng bắt đầu thấy nghi nghi.
NV: Rồi sau đó việc gì xảy ra?
Nguyễn Thanh Tú: Họ tiếp tục mời bố tôi đến ăn, mời ăn để phỏng vấn đó. Lần nào mời tới, họ cũng đối xử với bố tôi như một VIP vậy. Thức ăn đầy bàn. Nhưng mà bố tôi là nhà báo. Bố tôi thường hay nói, với người nhà báo, người ký giả, cái integrity [chính trực – NV] rất là quan trọng, không để bị compromised [tổn thương – NV]. Ông nói thôi bố con tôi ngồi bàn kia ăn được rồi, có bao nhiêu tiền thì kêu bao nhiêu thức ăn thôi. Họ cho người mang đồ ăn tới bàn, nhưng bố tôi từ chối, bố tôi không muốn bị tainted [hoen ố – NV]. Rồi từ từ bố tôi thắc mắc hỏi cách họ gây quỹ, thì họ mới đưa mấy tấm hình ra cho bố tôi coi. Họ nói mấy hình này là mấy hình chụp từ khu vực kháng chiến ở Việt Nam. Bố tôi nói cho tôi mang mấy tấm hình này về nhà. Về tới nhà bố tôi cầm hình lên ngắm kỹ, rồi chỉ cho tôi coi. Ông nói họ không biết bố là người kinh nghiệm, ở trong nghề lâu. Trong đám hình này, trước hết, mấy người lính trong rừng mà bộ đồ họ mặc quá sạch sẽ. Thứ hai, đằng sau lưng họ, cây cỏ này không đúng cây cỏ ở Việt Nam. Thứ ba, trong rừng cảnh không phải là như vậy. Thứ tư, chén dĩa giấy họ dùng bố tôi thấy dấu hiệu chén dĩa của Mỹ. Thứ năm, đi vào rừng mà có người mang Rolex. Sau đó, bố tôi gặp họ, nói, ờ mấy tấm hình này đẹp quá, chụp ở vùng nào ở Việt Nam. Họ nói mấy hình này chụp bên trong Việt Nam, và Mặt Trận đã chiếm được cứ điểm này, vị trí nọ ở Việt Nam rồi. Từ từ qua nhiều câu hỏi, thì họ nhận ra là bố tôi nghi họ rồi, thì họ bắt đầu tìm cách mua chuộc, rồi chuyển qua hăm dọa.
NV: Họ tìm cách mua chuộc và hăm dọa như thế nào, thưa ông?
Nguyễn Thanh Tú: Gia đình tôi lúc đó nghèo lắm. Mười đứa con. Hai bố mẹ đi làm, mấy đứa con cũng đi làm phụ, nhưng không có tiền. Bố tôi làm báo không có tiền. Làm báo mà, nghèo lắm. Nhưng bố tôi muốn làm báo để thông tin cho mọi người, để có tiếng nói cho người Việt Nam. Họ [Mặt Trận – NV] thấy vậy họ nói thôi để họ mua cho cái xe, hay là giúp tiền để làm báo. Ý họ là muốn bố tôi đừng hỏi những câu hỏi khó. Nhưng bố tôi từ chối. Và bố tôi tiếp tục viết, tiếp tục đặt những câu hỏi mà họ không trả lời được, hay trả lời không rõ. Thế là họ bắt đầu hăm dọa. Lúc đó không có ngày nào đêm nào mà họ không gọi điện thoại hăm dọa.
NV: Làm sao mà ông biết chắc chắn những người gọi điện thoại hăm dọa là người của Mặt Trận? Khi gọi hăm dọa, họ nói gì?
Nguyễn Thanh Tú: Chính tôi cũng nhiều lần nhận phôn. Họ nói rõ ràng, không giấu giếm. Họ nói họ là đại diện của Mặt Trận… giải phóng Việt Nam. Họ bảo nói cho bố tôi nghe nếu mà không ngừng, mà tiếp tục viết những bài có thể ảnh hưởng xấu tới Mặt Trận, thì bố tôi sẽ bị thủ tiêu. Ngày nào họ cũng gọi, gọi hoài. Nếu bố tôi không trả lời thì tôi trả lời. Tôi không trả lời thì mẹ tôi trả lời.
NV: Tôi muốn xác định một lần nữa là những người gọi điện thoại hăm dọa gia đình ông, họ tự xưng họ là Mặt Trận? Họ có xưng tên không?
Nguyễn Thanh Tú: Họ không giấu giếm. Họ nói họ là Mặt Trận, là đại diện cho Mặt Trận. Họ nói rõ ràng, không nói khéo gì cả. Họ không xưng tên, chỉ nói là người làm cho Mặt Trận, hay đại diện cho Mặt Trận. Bố tôi biết mà, biết là mình bị Mặt Trận dọa thủ tiêu. Khi gọi cho bố tôi, họ nói: “Nếu không dừng lại thì sẽ sắp là những giờ cuối cùng của đời mày.”
NV: Bố ông phản ứng ra sao sau khi bị hăm dọa?
Nguyễn Thanh Tú: Tôi nhớ một lần đi bỏ báo, bố tôi nhìn tới nhìn lui, dặn tôi, nếu có chuyện gì con phải chạy trước. Tại vì họ chỉ muốn bố chứ không muốn con đâu. Có những lúc tôi mang báo xuống mấy tiệm, họ mang cả chồng báo họ vứt vào thùng rác. Nhiều chỗ họ phải giấu báo đi, vì tờ báo Tự Do của bố tôi lúc đó rất là nổi tiếng. Nổi tiếng không phải là vì bố tôi viết hay, mà nổi tiếng là vì bố tôi cả gan dám nói những sự thật mà không ai dám nói, những tờ báo khác không dám nói. Vứt báo xong, thấy vẫn còn có người đọc, họ từ từ hăm dọa những người quảng cáo trên báo. Bố tôi tự bỏ tiền túi ra làm mà, cho nên không có quảng cáo vẫn tiếp tục làm. Trước khi làm những số báo cuối cùng, bố tôi bay thẳng qua Thái Lan để điều tra. Bố tôi qua tới Thái Lan mới khám phá ra sự thật. Tại ngày xưa bố tôi là phóng viên quốc tế, đi nhiều lắm, từng đi qua đó phỏng vấn mấy ông tướng, mấy ông làm lớn bên Thái Lan, chứ không phải chỉ ở trong Việt Nam thôi. Bố tôi qua đó thì mới biết cái trại mà họ nói có 10 ngàn quân, là chỗ ở Thái Lan chứ không phải ở Việt Nam. Chẳng những không có 10 ngàn người, mà chỉ có vài trăm người, mà trong đó còn có người Thái và người Lào đứng vào đó để chụp hình, để quay phim, để đem về quảng cáo. Bố tôi tìm được sự việc này, bay về, chuẩn bị cho ra một số báo để vạch trần những việc đó. Biết như vậy, Mặt Trận gặp bố tôi để hăm dọa một lần cuối.
NV: Trong lần người hăm dọa gặp mặt bố ông lần cuối cùng ở một nhà hàng ở Houston, buổi tối hôm đó ông có mặt không? Bị hăm dọa bố ông có sợ không?
Nguyễn Thanh Tú: Không. Nhưng nghe bố tôi kể thì họ đông lắm, khoảng mười mấy người. Hôm đó họ nói cho bố tôi một cơ hội cuối cùng. Chuyện hăm dọa với bố tôi là chuyện thường. Ông quen rồi. Nhưng bố tôi không ngờ họ dám cả gan như vậy. Tại vì ông nghĩ họ hăm dọa công khai như thế thì nếu họ giết ông, ai cũng sẽ biết là họ giết. Bố tôi hay nói cái câu nhà báo mình chỉ có nhau thôi. Nếu có chuyện gì xảy ra cho một nhà báo thì các nhà báo khác sẽ xúm vào bênh vực, lên tiếng. Chắc họ không dám giết.
NV: Sau khi bố ông bị ám sát thì báo chí Việt Nam có lên tiếng, có đưa tin không?
Nguyễn Thanh Tú: Lên tiếng rất nhiều. Báo chí Việt Nam lên tiếng rất nhiều. Nhưng vấn đề là không ai dám đứng ra tố cáo họ. Sau khi bố tôi bị giết, họ còn để lại mảnh giấy cảnh cáo là sau bố tôi là ai nữa sẽ bị giết.
Nhà báo Nguyễn Ðạm Phong (phải) đứng đeo biểu ngữ phản đối Cộng Sản ở Houston, Texas, năm 1979. (Hình: Nguyễn Thanh Tú cung cấp) |
NV: Tôi có thắc mắc này, thứ nhất, khi giết người xong thì người ta phải sợ bị bắt, tại sao họ lại dám để tờ giấy lại, khai chính mình là tổ chức giết. Thứ hai, tổ chức để tên lại có tên là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation – VOECRN (Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Ðảng, vậy làm sao ông có thể cả quyết tổ chức đó chính là Mặt Trận?
Nguyễn Thanh Tú: Bố tôi bị giết xong là ai cũng biết ngay là Mặt Trận giết. Vì Mặt Trận dọa bố tôi ai cũng biết, họ vứt báo của bố tôi đi ai cũng biết. Nhưng mọi người ai cũng sợ, không ai dám lên tiếng tố cáo. Về việc tại sao họ dám nhận tội, những người này là những tay xạ thủ chuyên nghiệp. Họ không để lại dấu vết gì cả. FBI không lấy được dấu vết nào. Họ là chuyên nghiệp mà, cho nên rất khó có chứng cớ để mà buộc tội. Nhưng người mình dù biết, không ai lên tiếng, không ai làm chứng, vì ai cũng rất sợ.
NV: Mấy chục năm qua, trước khi phóng viên A.C. Thompson đến gặp ông để lật lại hồ sơ, ông sống với tâm trạng như thế nào?
Nguyễn Thanh Tú: Tôi có nói ra chăng nữa thì tôi không hiểu là chị hay mọi người có thấu hiểu được không. Cũng không biết dùng chữ gì tả được. Không có ngày nào mà tôi không buồn, không nghĩ đến bố, đến cái chết của bố tôi. Mỗi khi ai hỏi đến thì tôi lại buồn, lại thương bố. Vì tôi thấy bố tôi làm một việc tốt, không có hại gì cả. Tôi chỉ mong có một vài câu trả lời, rồi thôi. Vì tôi biết trong Mặt Trận một số người đã qua đời. Ông Hoàng Cơ Minh, ông Phạm Văn Liễu cũng mất rồi. Nhưng tôi muốn có câu trả lời để cho cái chapter này trong đời mình nó đóng lại, chị hiểu không? Tiếng Mỹ họ gọi đó là closure.
NV: Sau khi cuốn phim Terror in Little Saigon ra đời thì ông có cảm thấy có câu trả lời chưa, có được closure chưa?
Nguyễn Thanh Tú: Thưa chị chưa! Là tại vì mình chỉ biết là một đảng làm, nhưng không biết ai là người ra lệnh làm việc đó. Mặc dù ông kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sau này ông ấy có nói là ổng có ngồi trong buổi họp mà họ bàn giết người này giết người kia đó. Ðối với tôi như vậy là mình biết rồi. Mà thật ra cũng đâu cần phải có ông A.C. làm cái phim này mình mới biết. Mình đã biết rồi, không cần thêm bằng chứng nào khác, vì ai cũng biết Mặt Trận họ là người hăm dọa sẽ thủ tiêu bố tôi. Nhưng làm sao mà có closure được chị. Khi nào biết đích xác ai là người giết, ai là người ra lệnh giết thì mới có closure được.
NV: Trước sự kiện FBI không có đủ bằng chứng để truy tố ai, ông có bao giờ có phút giây nào ngờ rằng người ám sát bố ông có thể không phải là người của Mặt Trận, mà là người của một nhóm quá khích nào đó không?
Nguyễn Thanh Tú: Không! Là vì mỗi khi hăm dọa, họ đều giới thiệu họ là người của Mặt Trận, và họ bảo tôi “nói bố cháu đừng phá nồi cơm của Mặt Trận.”
NV: Nhiều người sau khi xem phim Terror of Little Saigon tỏ ra thất vọng là vì cuốn phim điều tra này không đưa ra thêm được chứng cớ thuyết phục nào ngoài những gì FBI đã có. Ông có chia sẻ nỗi thất vọng đó của họ không?
Nguyễn Thanh Tú: Theo tôi nghĩ thì đây là một “cover up” của chính phủ. Họ có lý do của họ thời đó. Nhưng tôi nghĩ là từ từ rồi bắt đầu họ sẽ mở hồ sơ lại, vì có thêm chứng cớ mới. Vì một hồ sơ giết người thì không có ngày hết hạn.
NV: Ông muốn nói đến chứng cớ mới nào?
Nguyễn Thanh Tú: Khi ông Nguyễn Xuân Nghĩa lỡ miệng nói là ông ấy có tham dự một buổi họp mà Mặt Trận bàn chuyện ám sát, câu nói mà giờ đây ông chối là không nói, thì đó không chỉ là một chứng cớ, mà là một xác nhận là trong Mặt Trận có chuyện ám sát người.
NV: Nhưng ông Nguyễn Xuân Nghĩa phủ nhận là đã nói câu đó. Ông nói với nhật báo Người Việt trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không hề nói như thế.
Nguyễn Thanh Tú: Giữa hai người, ông Nguyễn Xuân Nghĩa và A.C. Thompson thì tôi tin A.C. Thompson hơn. Vì ngoài ông A.C. còn có mấy người nữa cũng ngồi đó nghe câu ông Nghĩa nói. Mấy người đó họ nghe xong câu đó là họ lật đật báo cho boss biết liền. Vả lại, ông A.C. ông ấy là phóng viên, mấy người nghe cũng là phóng viên, là nhà báo, như nhà báo Hà Giang, như những nhà báo khác. Họ là nhà báo, họ cần gì phải nói dối, phải dựng chuyện? Danh dự và tiếng tăm của nhà báo nó quan trọng hơn chứ? Tại sao những nhà báo này phải hy sinh điều đó?
NV: Bây giờ nếu thủ phạm ra nhận tội, ông có tha thứ cho họ không?
Nguyễn Thanh Tú: Vâng, chỉ cần biết như vậy là đủ thỏa mãn rồi. Họ chắc cũng đã có gia đình, và họ phải sống với lương tâm của họ. Tôi tin là sớm muộn gì cũng có người đến khi họ gần đất xa trời, họ ăn năn hối lỗi, rồi họ sẽ nói ra thôi.
NV: Ông còn điều gì muốn tỏ bày nữa không?
Nguyễn Thanh Tú: Tôi mong ước những người đồng nghiệp của bố tôi sau này, những nhà báo trẻ, dám can đảm nói lên sự thật. Ðừng để cho những nhà báo bị giết bị chết oan ức. Tôi muốn nói ra những điều này không phải chỉ là vì bố tôi, mà nó liên quan đến tiếng nói của năm nhà báo đã bị ám sát, trong đó bố tôi chỉ là một.
NV: Cảm ơn ông.