Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

MỘT VỤ THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH KẺ PHẢN BỘI

 

MỘT VỤ THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH
KẺ PHẢN BỘI
 
(Viết theo Ký ức chiến trường !)
Bước qua năm 1966, tình hình chiến trường miền Trung rất căng thẳng. Mỹ đưa quân vào rất đông, chúng chia nhau chiếm đóng khắp nơi. Phía bắc, từ tháng 5/1965 Quân Mỹ nhanh chóng xây dựng sân bay chiến lược Chu Lai đưa sư đoàn 9 Marines Mỹ vào lập sân bay, Sau đó chúng tiếp tục đưa thêm Trung đoàn 3, sư đoàn 9 Hải quân Mỹ vào tăng cường, tháng 8/1965 chúng lại tăng cường đưa tiếp tiểu đoàn 3 thuộc sư 11 Marines. Chúng đẩy Sư đoàn 2 Ngụy nống ra chiếm gần hết vùng giải phóng của ta ở Bình Sơn, Sơn Tịnh để bảo vệ cho đầu não của căn cứ.
 
Phía nam, quân Mỹ đổ quân chiếm Gò Hội, Phổ Minh, Phổ Thuận, Phổ Khánh, Phổ Phong lập sân bay lớn ở Gò Hội đặt tên là LZ Bronco với lực lượng lớn quân Mỹ từ sư đoàn 5th Marines and 7th Marines .
Về quân Ngụy, chúng được Mỹ hỗ trợ phi, pháo xe tăng, sắp xếp lại lực lượng cho đóng chiếm lại hầu hết những vùng ta đã giải phóng từ 1964-1965. Chỗ nào không chiếm lại được thì tuyên bố đó là vùng tự do bắn phá (bombardment free zone).
Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vùng giải phóng bị xóa trắng, nhiều đội du kích hy sinh, các lực lượng bộ đội địa phương nhỏ bé, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, cũng đều bị giạt lên rừng hay tạm lánh dưới hầm bí mật.
Trước tình hình căng thẳng đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra nhiều nghị quyết động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân ra sức trụ bám, “một tấc không đi, một ly không rời”. Nhưng âm mưu của Mỹ-Ngụy vô cùng man rợ, chúng dùng chiêu thức chiêu hồi, tâm lý chiến ra sức phỉnh phờ những người nhẹ dạ chạy vào vùng Mỹ Ngụy kiểm soát. Truyền đơn của Mỹ-Ngụy thả xuống trắng xóa cả những cánh rừng Trường Sơn, trắng xóa cả bờ biển Quảng Ngãi, đêm đêm chúng dùng máy bay phát loa kêu gọi chiêu hồi, nếu ai trở về với “chính nghĩa Quốc gia” sẽ được “đãi ngộ sẽ được sung sướng”.
 
Lúc bấy giờ Đại đội C75 - huyện Tư Nghĩa của tôi buộc phải rút vào đóng tạm trong dân thuộc vùng Đức Minh, Mộ Đức, một đại đội chỉ có 2 trung đội mà phải chia ra đóng rải rác khắp xã tránh tập trung vì có thể bị phi pháo địch gây tổn thất. Nhiệm vụ của Đại đội là chia ra hỗ trợ các đội công tác- (du kích) vùng đông Tư Nghĩa đêm nào cũng vượt ba, bốn chục cây số đầm lầy và cát trắng, vượt qua bao nhiêu ổ phục kích của Mỹ-Ngụy căng dày để trở về với dân, nhất thiết không được để mất dân, không để quân thù lung lạc là “Cộng sản chết hết rồi..”. Mỗi lần ra đi, khi sáng trở về mới biết ai còn, ai mất. Nhiều trận phúc kích dọc theo đường đi có trận không một đồng chí trở về. Những địa điểm địch hay phục kích đến bây giờ hơn 50 năm rồi là tôi vẫn còn nhớ trong lòng đầy căng thẳng, những tên đất, tên làng thân thương ấy, mà bây giờ bỗng trở thành nơi quá nguy hiểm như Gò Đường, An Mô, Gò Rậm, Xóm Đùi, Bụi tre Ông Đường, Bến Lỡ, Vực Hồng, cầu Đá, cầu Võ Hồi v.v…là những địa điểm đội công tác bắt buộc phải đi qua...và không biết bao nhiêu đồng đội tôi đã hy sinh ở đó !
 
Một hôm, khi cùng đội công tác đi phát động quần chúng từ vùng địch trở về, điểm quân thấy thiếu mất một người: Trung đội phó, Đảng viên Nguyễn Phương; Phương là người rất dũng cảm, có trình độ chỉ huy tác chiến tốt, có lý lịch xuất thân rất tốt, có chị gái là phó Chủ tịch hội phụ nữ huyện. Không ai nghĩ là Phương lại trốn lại vùng địch để đi đầu hàng. Trước đó Phương vẫn sinh hoạt bình thường, không tỏ ra dấu hiệu hoang mang hay dao động gì cả, vẫn vui vẻ thân thiện như ngày thường, chúng tôi lo là khi vượt sông Vệ mùa lũ tháng 10 trở về có khi Phương bị cuốn trôi chăng…Bây giờ tôi không còn nhớ rõ đêm Phương bị mất tích là ngày mấy, chỉ còn nhớ là đó là một đêm cuối tháng 10 Âm lịch năm 1966, trời rất tối và rét mướt. Thông báo tin Phương mất tích lên Huyện đội và chờ tin đến từ vùng đông Tư Nghĩa. Chỉ một ngày sau thì cơ sở báo là Nguyễn Phương đã chạy đầu hàng địch, hàng loạt cơ sở nơi Phương được tiếp tế gạo muối và những liên lạc khác đã bị địch bắt và giết, ba căn hầm bí mật ở Nghĩa Dõng quê của Phương đã bị địch giật mìn đánh sập gây thương vong cho nhiều đồng chí. Phương xưng khai với kẻ thù tên họ từng người dân, những người đã cho đội công tác thậm chí từng bơ gạo, từng hộp sữa ! Địch cho săn lùng rất ác liệt những cơ sở mà Phương đã xưng khai với kẻ thù. Nhiều người không còn sống hợp pháp được với địch nữa mà buộc phải chạy giạt vào vùng giải phóng. Cơ sở Nghĩa Dõng (nay là xã Nghĩa Dũng), miền đông Tư Nghĩa bị xóa trắng, nhiều đồng chí bị địch giết ngay khi Phương báo cho địch, nhiều người bị bắt đánh đập vô cùng tàn nhẫn; phong trào tan vỡ từng mảnh rất đau lòng.
 
Đơn vị chúng tôi rất lấy làm xấu hổ, trước đó Đại đội C75 của chúng tôi đang chuẩn bị được tuyên dương là Đại đội Anh hùng duy nhất và đầu tiên của tỉnh Quảng ngãi vì có thành tích đoàn kết chiến đấu, và tham gia phong trào phát động quần chúng tốt. Nay xảy cớ sự như thế này thì thật là đau khổ cho đơn vị. Đại đội viết quyết tâm thư bằng máu để đi tìm diệt tên chiêu hồi- ác ôn Nguyễn Phương, nhưng Huyện ủy và Huyện đội chưa đồng ý vì cần phải điều tra cẩn thận và phải báo cáo lên Quân khu 5 xem có vấn đề gì thuộc nội tuyến hay không ?
 
Tết Đình Mùi 1967, lần đầu tiên Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam ra lời tuyên bố đơn phương ngừng bắn 7 ngày để đồng bào được yên ổn ăn tết và “Anh em binh sĩ thuộc quân đội Sài Gòn (ngụy quân), và nhân viên ngụy quyền được tự do trở về vùng giải phóng vui tết với điều kiện không mang theo vũ khí và phương thiện do thám…” Đại đội tôi và Đội công tác Nghĩa Dõng được cơ sở báo là thằng Phương sẽ về nhà ăn tết và sẽ đi với một số lính ngụy, cùng lúc chúng tôi cũng được cấp trên cho phép bắt cho bằng được tên Chiêu hồi về vùng giải phóng trừng trị. Phương án tác chiến được lên và được chuẩn bị chu đáo; việc bắt tên Phương xảy ra hoàn toàn như Phương án 1: Bốn đồng chí du kích đột nhập vào ẩn kín trong nhà của Phương, đúng 9 giờ sáng mùng một tết Phương và ba tên Biệt Chính đoàn (Một thứ lính Biệt động quân địa phương) có mang vũ khí nghênh ngang bước vào sân nhà. Hai tên đứng ngắm giàn bầu ở sân, còn Phương và một tên trung úy bước ngay vào nhà. Cùng lúc có 4 người dân (hai nam hai nữ) mặc lễ phục truyền thống cũng từ ngoài cổng bước nhanh vào sân, miệng chào hỏi chúc tết chủ nhà với động tác kiềm chế một cách yên ả hai tên ngụy ở sân, chúng không có một lời kháng cự. Bốn đồng chí du kích trong nhà cũng nhanh chóng ập đến trấn áp ngay tên Phương và tên Trung úy Biệt chính đoàn cùng đi. Mấy tên Biệt Chính đoàn ngoan ngoãn không chống cự và đồng ý với lời đề nghị của Mặt trận: “Hoan nghênh các anh về vùng giải phóng vui tết, nhưng vì do làm trái lệnh của MT nên chúng tôi được quyền thu vũ khí, các anh cứ yên tâm vui tết ở đây, còn anh Nguyễn Phương nguyên là bộ đội của đơn vị chúng tôi, vì đi lạc nên hôm nay đưa trở lại về đơn vị..” Tên Chiêu hồi-ác ôn-gián điệp nợ máu mặt cắt không còn hột máu ấm ứ phản đối, nhưng việc gì xảy ra đã được đơn vị của tôi lo chu đáo ! Nghĩa Dõng là vùng tranh chấp nên đơn vị của tôi rút nhanh qua An Mô và đưa tên chiêu hồi về Đức Minh ngay trong đêm.
Ba ngày sau, vào một buổi tối , tại bãi cát bên kia Bàu Ốc, thuộc thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh, Tòa án Nhân dân Huyện Tư nghĩa thi hành án tử hình tên Nguyễn Phương vì các tội : Phản bội, chiêu hồi, gây nợ máu giết nhiều người vô tội, làm hỏng Phong trào giải phóng của miền Đông Tư nghĩa.
 
Cái chết ô nhục của tên chiêu hồi Nguyễn Phương đã làm cho nhiều người thấy được yên lòng, vì kẻ nào gieo tội ác nhất định sẽ bị nhân dân trừng phạt. Phong trào miền đông Tư Nghĩa dân dần được phục hồi và mạnh mẽ cho đến ngày toàn thắng !
Nỗi niềm của Mẹ:
Hồi đó vì chiến tranh quá ác liệt và bị địch chiêu dụ bằng vật chất và lũng đoạn tinh thần, nên cũng có một số người lầm đường rời bỏ hàng ngũ Giải phóng quân chạy về chiêu hồi với địch. Những ai về với địch mà không xưng khai là chúng thủ tiêu. Còn ai phản bội lại đồng đội, chỉ điểm để kẻ thù tàn sát nhân dân thì được chúng trọng dụng một thời gian ngắn rồi lại bị đẩy ra chiến trường chết thay cho chúng.
 
Một hôm, tôi được giao liên đưa cho một bức thư của Me tôi gửi, vì bà không biết chữ nên giòng chữ ngoằn nghoèo là do em gái của tôi viết, bức thư ngắn nhưng nội dung đoan quyết:”Dù gian khổ, ác liệt đến dường nào, con Hiếu ngoan của mẹ nhất định không được đầu hàng giặc, nhất định không chiêu hồi ! Chiêu hồi là nhục nhã cho gia đình, cho giòng họ và nhục nhã nhất là Ba yêu của con đang ở nơi xa, đang làm nhiệm vụ cho Đảng. Nếu không chịu được nữa thì chạy về ở với mẹ, Nhất định là không đầu hàng kẻ thù …”.Lúc ấy tôi đã 18 tuổi rồi, tôi đọc mà khóc trong lòng, sau đó lại cười, vì những điều mẹ nhắc từ lâu con đã nằm lòng, và không bao giờ, không bao giờ con lại làm thế ! Kẻ thù đã làm tan nát quê hương mình, chúng đã giết chết hết người thân và bè bạn của con rồi, sao lại con lại đi đầu hàng chúng; con phải vượt lên cùng với đồng đội giết chúng mà trả thù…!
Rất tiếc bức thư này trước khi ra trận tôi chôn ở hang Đá Chẹt (Sơn Tịnh) cùng với nhiều quyển nhật ký của tôi, rồi trong đêm đi đánh giặc bị thương nặng ra Bắc luôn, chưa bao giờ trở lại nơi chôn bức thư của Mẹ, nhưng trong lòng tôi vẫn nhớ mãi lời dặn dò của mẹ như ngày nào…!