04-04-2014 10:29:35 AM
Thời gian gần đây, trên mạng internet, một
hai blogger, đúng ra là chỉ từ một blogger thôi, blogger thứ hai
"đua" theo, đưa tin thất thiệt về việc Cha tôi, Nhà văn Ngô Tất Tố
mất năm 1954.
Năm nay tôi 77 tuổi, là người con của Nhà
văn, hiện còn sống có tuổi cao nhất. Khi Cha tôi mất, tôi đã 17 tuổi.
Tôi chính thức, công khai lên tiếng, hoàn toàn
bác bỏ tin thất thiệt, bịa đặt vô căn cứ này. Bởi lẽ, hơn một năm trời Cha tôi
ốm nặng, hình ảnh các mẹ tôi cùng đông đủ anh chị em trong gia đình thường
xuyên quây quần, gần gũi và chăm sóc Cha tôi liên tục cho tới ngày Cha tôi mất
và nhất là hình ảnh đám tang của Cha tôi trên Ấp Cầu Đen luôn sâu đậm trong tâm
khảm tôi, người con gái đã trưởng thành.
Dàn dựng nội dung thất thiệt đưa lên mạng,
blogger này đã liên tiếp tự lộ mặt thật, có ý định đen tối, với chân tướng bịa
đặt và xuyên tạc rất thô thiển nhưng tỏ ra non kém và vụng về.
Sự thật là trong những ngày gần chiến thắng Điện
Biên Phủ, các văn nghệ sĩ chân chính cũng như toàn dân ta đang toàn tâm, toàn
lực phục vụ kháng chiến, làm gì có chuyện "văn nghệ sĩ" của Hội Văn
nghệ Việt Nam họp trên "đồi Nhã Nam" để "đấu tố gay gắt căng
thẳng" như blogger này đã bậy bạ, dựng đứng bịa ra. Bởi lẽ theo tài liệu
của Hội Văn nghệ Việt Nam, trước chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyệt nhiên không
có "bất kỳ cuộc họp nào" của "văn nghệ sĩ" tại vùng Yên Thế
Bắc Giang. Hơn nữa không có địa danh gọi là "đồi Nhã Nam" mà
chỉ có Ấp Cầu Đen gần thị trấn Nhã Nam, là nơi sinh sống của một số gia đình
các nhà văn, còn Hội Văn nghệ Việt Nam thì làm việc tận trên Tuyên Quang.
Điều đặc biệt chú ý là ý nghĩa và giá trị
các tác phẩm "Lều chõng, Việc làng" của Ngô Tất Tố không xa lạ gì với
giới văn nghệ sĩ cùng thời, làm gì có chuyện "văn nghệ sĩ" nào đó lại
nông cạn, đưa hai tác phẩm này ra để đấu tố, kết luận tác giả "phục
cổ", giống hệt như luận điệu xằng bậy của bọn người chuyên đi xuyên tạc
sự thật. Không ai khác, đây là dụng ý đen tối, giọng lưỡi bịa đặt, bỉ ổi của
chính blogger này. Với khí phách kiên định, quyết liệt bảo vệ lẽ phải đến cùng
việc mình đã làm, không đời nào có chuyện ngây ngô như blogger này cho rằng tác
giả bị "dồn vào tận chân
tường".
Chưa hết, blogger này còn viết: "cái
sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ
chối không cho chôn". Ô hay! Blogger này đã cố tình hoặc ngu xuẩn đến mức
mù tịt không biết rằng hồi Nhà văn Ngô Tất Tố mất (năm 1954), ở các địa phương
đâu đã có được nghĩa trang liệt sĩ xã! Xin được giới thiệu
những ý kiến của đồng nghiệp, bạn hữu, của Hội Văn nghệ Việt Nam, ghi nhận sự
đau yếu và ngày mất của Nhà văn Ngô Tất Tố.
Nhân 100 ngày mất của Ngô Tất Tố, người láng
giềng gần gũi sống ngay tại Ấp Cầu Đen, Nhà văn Nguyên Hồng viết: "Tháng 4
năm 1954, giữa một vùng quê hương thôn dã thứ hai của mình đang tưng bừng,
quyết liệt đấu tranh ấy, Ngô Tất Tố đã từ biệt chúng ta mãi mãi... Trong Lều
chõng, cuốn tiểu thuyết dày đặc của Ngô Tất Tố, sự ngay thẳng của một ngòi bút
đã dõng dạc cất tiếng chửi vào mặt những cái "hay" cái
"đẹp" của bọn thống trị đã đưa ra và cổ võ nó" (Tạp chí Văn
nghệ, số 54, 8 - 1954).
Nhà văn Nguyễn Tuân, nguyên là Tổng thư ký Hội
Văn nghệ Việt Nam
(1948 - 1957), đã viết: "Ngô Tất Tố buông hẳn tay bút vào mùa hè năm 1954.
Có lẽ cái buồn nhất, tiếc nhất là nhà văn rũ áo ra đi hơi vội vàng. Cố nán lại
được vài tuần nữa để kịp nghe cái tin Tây đế quốc hoàn toàn đại bại ở Điện Biên
Phủ ngày 7-5-1954 thì cũng mát vậy thay cho vong linh của một nhà nho yêu nước
không lúc nào nguôi về tiền đồ nghề văn nước mình, về triển vọng Tổ quốc
mình" (Lời giới thiệu truyện Tắt đèn, Nxb Văn hóa, 1962).
Trên báo Văn nghệ, số giữa năm năm 1954, đăng tin
của Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, xin sao chụp toàn văn bản tin:
Sau khi tạm yên nghỉ tại Ấp Cầu Đen gần 10
năm từ 1954 đến 1963, (năm 1954 tại địa phương chưa lập nghĩa trang liệt sĩ),
suốt 33 năm sau đó, từ 1963 đến 1996, hài cốt Ngô Tất Tố được di chuyển về yên
nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ của quê hương ở xã Mai Lâm Đông Anh Hà Nội, đến
năm 1996, Nhà nước cấp đất, đã chính thức xây phần mộ Ngô Tất Tố tại khu đất
gần ngay nơi tác giả viết tiểu thuyết Tắt đèn, địa danh này cũng đã được tri ân
gắn biển Di tích lịch sử. Ghi nhận công lao của Nhà văn Ngô Tất Tố, từ hơn 15
năm nay, Hà Nội liên tục, thường xuyên hàng năm tổ chức Giải thưởng báo chí Ngô
Tất Tố. Hà Nội có trường Ngô Tất Tố. Thành phố Hồ Chí Minh có trường và chung cư
lớn Ngô Tất Tố. Cho tới nay, trên 8 tỉnh và thành phố lớn của cả nước có phố,
đường phố mang tên Ngô Tất Tố. Tiểu thuyết Tắt đèn được dựng thành phim Chị
Dậu, tiểu thuyết Lều chõng được chuyển thể thành phim truyền hình 23 tập...
Một lần nữa tôi công khai, chính thức hoàn toàn
bác bỏ nội dung đăng trên mạng internet hoặc trên các phương tiện thông tin
khác, của bất kể ai, với bất cứ tư cách gì, đưa tin thất thiệt về sự việc từ
trần của Cha tôi là Nhà văn Ngô Tất Tố hồi năm 1954.
Ngô Thị Thanh Lịch
(Tháng 4 - 2014)
Theo http://vanvn.net