(ANTĐ) - Tháng Tư này, chúng tôi có may mắn được gặp lại những người anh hùng làm nên sấm sét chiều 28-4 ở Sân bay Tân Sơn Nhất, gây kinh hoàng Mỹ ngụy 36 năm trước...
Anh Từ Đễ, một sĩ quan Không quân Việt Nam, sau những năm tháng hào hùng ấy, anh trở lại đời thường, ở TP.HCM làm một người lao động bình thường với những đam mê thời trẻ là vẽ tranh. Từ Đễ là con trai Giáo sư - Anh hùng lao động Từ Giấy, người sáng lập Viện Dinh dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Vốn người làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, Từ Đễ sớm trở thành phi công tham gia bảo vệ bầu trời miền Bắc và anh vinh dự có mặt trong Phi đội Quyết Thắng đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất làm tan rã đội hình chiến đấu Mỹ ngụy, góp phần làm nên chiến thắng lấy lừng 30-4-1975...Từ Đễ kể: Trước khi lên đường vào miền Nam nhận nhiệm vụ lái máy bay A37 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cha anh dặn dò anh nhiều thứ, nhất là phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. "Chả là ông là bác sĩ, là nhà dinh dưỡng học nổi tiếng thế giới mà!". Và hai cha con anh đã hẹn nhau sẽ gặp lại Sài Gòn. Hẹn với cha như vậy, nhưng thâm tâm người lính, tôi biết rằng có thể ngày về không thể đoán trước bởi những hiểm nguy khốc liệt khôn lường. Không ngờ chỉ ít ngày sau, lời hẹn ấy đã được thực hiện khi nhà khoa học, nhà báo Từ Giấy vào Sài Gòn tìm con trai và chúc mừng thành phố mới giải phóng.
Câu chuyện về tháng Tư lịch sử luôn trở về mỗi dịp kỷ niệm ngày toàn thắng. Chuyện Trung úy phi công ngụy Nguyễn Thành Trung là điệp viên của ta cài vào hàng ngũ địch đã hoàn thành nhiệm vụ khi lái máy bay F5E của Mỹ bất ngờ ném bom Dinh tổng thống ngụy rồi lái máy bay trở về an toàn tại sân bay Phước Long. Tiếng bom đánh vào Sài Gòn - sào huyệt của Mỹ ngụy của Nguyễn Thành Trung như phát pháo lệnh cáo chung ngày sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy tại miền Nam.
Tình hình chiến dịch diễn biến từng ngày, từng giờ. Các đồng chí ở Trung ương túc trực bên bàn tác chiến chỉ đạo. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu thống nhất xin đưa không quân ta vào miền Nam sử dụng máy bay địch vừa thu được để đánh địch, tạo ra sự tan rã hoảng loạn của nội các và quân đội Sài Gòn. Tại Bộ tư lệnh chiến trường, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng đã bàn đến phương án để Nguyễn Thành Trung sử dụng số sĩ quan không quân ngụy chạy sang hàng ngũ ta tổ chức huấn luyện cấp tốc cho các phi công từ miền Bắc vào kịp thời dùng máy bay A37 và F5E của Mỹ để tham gia đánh địch.
Từ Hà Nội, Thiếu tướng Tư lệnh không quân Lê Văn Tri được lệnh đến Tổng hành dinh trực tiếp nhận lệnh của Đại tưởng Tổng tư lệnh về chuẩn bị phi đội A37 sắn sàng xuất kích tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh theo lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Nhận nhiệm vụ, ngày 22-4-1975, những phi công lái máy bay MIG17, MIG21 lên máy bay IL18 vào Đà Nẵng để tiếp nhận máy bay chiến lợi phẩm của Mỹ ngụy. Vừa chạm đất, trong cái nắng chói chang của miền Trung đầu hè, đã thấy Hồ Thanh Minh chuyên gia hàng đầu về máy bay đang làm nhiệm vụ tại đây. Các sĩ quan trẻ yên tâm bởi họ hiểu rằng không quân Việt Nam đã chiến thắng và sẽ chiến thắng.
Nhiều máy bay A37 cũ hỏng đã được gom lại để có những chiếc hoàn chỉnh có thể hoạt động ngay. Những sĩ quan và thợ máy của ngụy đã được sử dụng vào công việc sửa chữa lắp ráp máy bay. Từ sân bay Phù Cát, Bình Định, nhiều máy bay A 37 cũng được bộ đội ta gấp rút sửa chữa chuẩn bị tham gia chiến dịch.
Ngày 25-4, tướng Hoàng Văn Thái đã lệnh cho tướng Tư lệnh không quân Lê Văn Tri đưa máy bay vào sân bay Thành Sơn ở Phan Rang tập kết chuẩn bị cho trận đánh. Ngày 27-4 một phi đội mang tên Quyết Thắng ra đời do 5 phi công trực tiếp lái máy bay, ngoài Nguyễn Thành Trung ra còn có Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng. Ngoài các phi công QĐND VN còn có Trần Văn On là phi công huấn luyện của không quân ngụy ra trình diện, xin đi chiến đấu được triệu tập sử dụng vào đơn vị đặc biệt.
Chiều hôm ấy thời tiết rất xấu. Khi đến Xuân Lộc lên độ cao 2.000 mét, phi công ta không nhìn thấy mặt đất. Lúc chui qua đám mây, khoang lái như tối sầm lại. Phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đơn vị bay về phía Vũng Tàu rồi ngược lên Biên Hòa. Lúc này trời lóe nắng thì đã thấy trước mặt là Sài Gòn, phía dưới là sân bay Tân Sơn Nhất với từng dãy máy bay cùng ôtô đỗ dày đặc. Nguyễn Thành Trung báo mục tiêu cho toàn đội rồi bổ nhào cắt bom, nhưng... bom không ra.
Tai nghe của phi công bỗng nghe tiếng nhốn nháo của sĩ quan truyền tin ngụy: "A37 của phi đoàn nào?". Phi công Từ Đễ đi sau Nguyễn Thành Trung đến lượt bổ nhào cắt bom, vừa trả lời đài không lưu địch: "Của phi đoàn America chúng mày đây!". Sau anh là máy bay của Lục, Quảng, Vượng và On lần lượt bổ nhào cắt bom... Nguyễn Thành Trung sau khi cắt bom không thành đã quay lại cắt cùng lúc bốn quả... Tiếng nổ liên hồi vang động làm rung chuyển hầu như cả Sài Gòn. Phi trường Tân Sơn Nhất chìm trong biển lửa. Cả thành phố náo động sau đòn sấm sét đánh vào Tân Sơn Nhất của không quân QĐNDVN.
Ba mươi sáu năm trôi qua, những người anh hùng làm nên trận không kích lịch sử ấy giờ trở về làm người bình thường, có người khuất lấp đâu đó giữa cuộc đời, nhưng tiếng bom làm nên sấm sét Sài Gòn ngày ấy, chiến công vang dội ấy còn mãi âm vang cùng lịch sử.
Chiếc máy bay A-37 thu được của Mỹ đang được lưu giữ tại Trung đoàn Không quân 923.
Ảnh: Trịnh Dũng.
Những người tham gia trận này rất anh dũng, cảm ơn các anh đã làm nên những kỳ tích, làm rạng danh non sông
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, thật tự hào là người Việt Nam
Xóa