Kiều bào viếng nghĩa trang Bình An:"Đối diện với sự thật, chúng tôi thấy xấu hổ"
Trước đó, đoàn kiều bào đã đi thăm Trường Sa và tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các thế hệ người VN đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.Trưa 27-4, đoàn các kiều bào đi thăm quần đảo Trường Sa và tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và đồng bào ta, bạn bè quốc tế tử nạn trên biển, đã trở về lại TP.HCM. Ngay trong chiều 27-4, đoàn công tác đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và Nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa).
Khi vào đến Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương, ông Nguyễn Ngọc Lập, nguyên thiếu úy thủy quân lục chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa (Việt kiều California) và nhiều đại biểu đã thành kính thắp nhang tại bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ.
Sau đó, các đại biểu đi thăm những ngôi mộ của những người lính cộng hòa nằm nghỉ tại Nghĩa trang nhân dân Bình An. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trưởng đoàn công tác, đã cùng đoàn đại biểu đã đến viếng nhiều ngôi mộ. Trong đó có những bia mộ có hình ảnh người đã khuất, lúc sinh thời mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa. Ông Sơn chỉ vào một ngôi mộ và nói: “Đây là ngôi mộ các anh làm từ năm 1975, người dân đã quét vôi lại cho các anh”. Chỉ vào tấm bia mộ cũ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 43, Sư đoàn 78, ông Sơn tiếp: “Bia mộ vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị…Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây, một cent quý vị cũng không đóng góp. Nếu đất nước không có đại đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không?”.
“Đồng đội của ông Nguyễn Ngọc Lập đây, phần mộ còn nguyên. Chúng tôi trân trọng và để lại tất cả những gì còn trước năm 1975. Nếu nhân dân không tôn trọng, không lấy nghĩa đồng bào, nghĩa tử là nghĩa tận… thì làm gì còn mộ như thế này. Các vị cứ nói cộng sản tàn phá trong khi nghĩa trang thì còn nguyên mộ. 40 năm nay nếu không có nhân dân địa phương chăm sóc, vun đắp thì mộ có còn không? 40 năm nay tấm bia này vẫn nguyên vẹn nằm đây, có ai phá phách không? Quý vị ra hỏi người dân đang làm mộ ngoài kia, có ai phá họ không?”.
Trước những câu hỏi dồn dập của thứ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Lập, nguyên thiếu úy thủy quân lục chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa (Việt kiều California), mới lên tiếng: “Từ đầu đến cuối tôi im lặng vì tôi xấu hổ. Chúng tôi cảm thấy đau lòng và nhục nhã. Chúng tôi xin đồng bào mỗi khi đi về Việt Nam thì chỉ cần mỗi người một đôla là đủ xây mộ cho nơi này rồi. Hôm nay tôi không phải đến đây để đối thoại mà chúng tôi đến để đối diện với sự thật. Chúng tôi cảm thấy xấu hổ”.
Thứ trưởng Sơn tiếp lời: “Quý vị có thấy một sự thật là những ngôi mộ có thân nhân chăm sóc thì xây rất đẹp đẽ khang trang. Những ngôi mộ được xây từ trước năm 1975 đến giờ vẫn giữ nguyên. Tất cả ngôi mộ không có thân nhân chăm sóc đều được ban quản lý nghĩa trang đắp lại hằng năm không để lún sụt. Mộ vẫn được đắp lại, hương vẫn được thắp vì còn dấu tích chân nhang… . Quý vị hãy dũng cảm nhìn vào sự thật để thấy rằng những người nằm đây đã bị chính đồng đội của họ lãng quên chứ nhân dân địa phương không quên họ”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta đang làm một việc chính nghĩa.
Chuyến đi đến với Trường Sa và thềm lục địa phía nam vừa rồi hết sức ý nghĩa và thành công to lớn. Không chỉ có các tổ chức của các cơ quan đoàn thể trong nước mà còn có đại diện bà con hải ngoại về. Trong đó có những người trước đây còn có tư tưởng chống đối quyết liệt. Ra Trường Sa, họ thấy được sự trung thực của chúng ta trong vấn đề tuyên truyền. Thực tế chúng ta đã chứng minh cho bà con thấy được chúng ta giữ được toàn vẹn lãnh thổ. Tôi không hiểu họ lấy thông tin chúng ta đã bán đất cho nước ngoài ở chỗ nào.
Những kiều bào đã nghe lời khuyên của chúng tôi và trở về, có người trở về để hy vọng tìm thấy điều cực đoan mà họ muốn. Nhưng khi bước chân ra Trường Sa và về viếng nghĩa trang, họ đã đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, từ xúc động này đến xúc động khác. Bởi vì chúng ta đang làm một việc rất chính nghĩa: Đang làm thay họ bảo vệ toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ ông cha để lại, thay họ làm cho những đồng đội của họ nằm đây được mồ yên mả đẹp, thay họ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống của ông cha chúng ta: Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo.
1. “Tôi muốn xem có giả dối nào không… nhưng ngược lại hoàn toàn”
Trong quá khứ, tôi rất cực đoan với Nhà nước. Tôi muốn đến Trường Sa vì lý do duy nhất: Coi Nhà nước này có giấu giếm gì không vì tôi nghe rất nhiều rằng biển Đông biến động, không có an ninh, rằng Nhà nước Việt Nam đã dâng biển, đảo cho nước ngoài. Tôi nhất quyết phải về để tận mắt nghe, thấy. Chuyến đi 10 ngày để tìm coi có một vết tích nào giả dối hay không, quả thật là không hề có mà ngược lại còn tuyệt vời hơn những gì tôi ước định trong đầu. Đến Trường Sa, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ các công trình kiến trúc rất vững chắc cho đến cuộc sống vui tươi của quân dân trên đảo… Với tất cả chiến sĩ mà tôi đã gặp, họ có một ý chí sắt đá vô cùng với tinh thần tất cả cho Tổ quốc. Tôi nói với chiến sĩ Trường Sa rằng khi cần, hãy cho phép tôi được đứng chung trong hàng ngũ của anh em để sẵn sàng bảo vệ quần đảo tươi đẹp này.
Luật sư DAVID NGUYỄN, Trưởng ban vận động và tổ chức bầu cử hội đồng đại diện cộng đồng người Việt quốc gia Houston và vùng phụ cận.
2. Một chuyến đi thấy được rất nhiều điều:
Lễ tưởng niệm này tưởng niệm những người của hai bên đã nằm xuống ở Gạc Ma và Hoàng Sa, tức không phân biệt ở chế độ nào, đã biểu hiện rõ tinh thần đại đoàn kết và hòa giải dân tộc. Điểm thứ hai là tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trên biển Đông, những thuyền nhân tử nạn trên biển, những người làm việc ở các nhà giàn… Thể hiện đạo lý dân tộc rất cao lớn. Trang sử Việt Nam đã bước qua trang mới rồi, trang sử cũ từ từ khép lại. Quên đi những trang sử đau khổ của Việt Nam, mà hãy phát triển Việt Nam, muốn vậy phải giải quyết khối đại đoàn kết của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại. Hòa giải hòa hợp lẫn nhau. Chỉ có một con đường duy nhất cho hòa giải dân tộc, đó là lấy đạo lý dân tộc và vì dân tộc là trên hết. Ông Võ Văn Kiệt từng nói sau ngày miền Nam mất: “Triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Bây giờ sẽ không còn những người buồn nữa mà là đã mang lại niềm vui cho cả dân tộc. Điển hình nhất là chuyến hải trình vừa rồi đã cụ thể hóa chương trình hòa hợp dân tộc, để kiều bào về tận mắt chứng kiến người lính đã kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế nào. Đồng thời nhìn thấy sự toàn vẹn lãnh thổ như thế nào.
(Nhà báo LÝ KIẾN TRÚC, Câu lạc bộ văn hóa và báo chí quận Cam.)3. Thấy nhiều lời đồn không có căn cứ
Tôi lớn tuổi nhất đoàn, 81 tuổi. Sau chuyến đi, điều tôi yên tâm nhất là biết được Nhà nước quyết tâm bảo vệ Trường Sa và luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Tất cả chiến sĩ đều nói cùng một tiếng nói là sẽ mềm mỏng nhưng nếu cần sẽ kiên quyết chống trả. Do đó, luận điệu Việt Nam đã dâng đất, dâng biển cho nước ngoài là không có căn cứ.
(Ông BÙI DUY TÂM, Việt kiều Mỹ)(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Cần có nhiều chuyến đi như thế này hơn nữa để những người sống tại nước ngoài có thể hiểu được thực chất ở Việt Nam như thế nào, có giống như những kẻ phản quốc tuyên truyền không
Trả lờiXóaNgười Việt nam ở nước ngoài nên tỉnh táo, không nghe theo bọn phản động xuyên tạc về tình hình chung của Việt Nam
Trả lờiXóa