QĐND -
Nhân sự kiện một số nhà hoạt động gọi là "tự do và nhân quyền" của Việt
Nam tới Hoa Kỳ, theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số tổ chức
cổ xúy cho cái gọi là "tự do thông tin", Tổng biên tập trang mạng
Viethaingoai.net tại Mỹ, ông John Lee, bút danh Amari tx, từ Houston đã
dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân bài viết, trong đó cho rằng, những
nhà hoạt động này không có tư cách để nói về tự do báo chí ở Việt Nam...
Báo Quân đội nhân dân xin được trích đăng.
Tưởng việc này chẳng ai quan tâm bởi mấy nhà hoạt động kiểu này sang Hoa Kỳ để làm mấy cái chuyện gây bất lợi cho Việt Nam
đâu phải lần đầu tiên. Chuyến đi dù được tổ chức nhân Ngày Tự do báo
chí thế giới (3-5) cho có vẻ khách quan nhưng cũng chẳng che giấu được ý
đồ bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam của cả người mời lẫn người được mời. Vì đứng ra tổ chức và đài thọ cho các khách mời từ Việt Nam này không ai khác lại là một số cơ quan, tổ chức khét tiếng chống phá Việt Nam
như Đài Châu Á tự do, Tổ chức Phóng viên không biên giới hay Đảng Việt
Tân… Còn các "nhà hoạt động" có tên Nguyễn Thị Kim Chi, Ngô Nhật Đăng,
Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh và Lê Thanh Tùng chỉ là những cây viết tự do,
không tên tuổi, chưa nói tới vấn đề tư cách hay đạo đức nghề nghiệp vì
đã lợi dụng facebook hay blog để tuyên truyền những nội dung đi ngược
lại lợi ích của chính quê hương mình.
Đông đảo phóng viên tác nghiệp tại buổi khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: Minh Trường. |
Để
xem họ làm gì ở Hoa Kỳ? Nghe đâu các khách mời này được tham gia một
loạt sinh hoạt như điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, thảo luận về những thử
thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các “nhà” này còn được mời tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa
Kỳ, LHQ, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học,
tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng. Tiếp xúc với
một loạt cơ quan, tổ chức quan trọng bàn về một vấn đề quan trọng như
thế, với bảng “thành tích đen” chống phá Việt Nam cùng trình độ có hạn
như vậy, chẳng hiểu các vị khách mời đó lấy tư cách gì mà "đòi" tự do
cho nền báo chí Việt Nam - nơi có nền báo chí được đánh giá là đang phát
triển nhanh chóng?
Ở
đây, cần làm rõ thực chất cái gọi là "tự do báo chí" của phương Tây và
thực trạng hoạt động báo chí của Việt Nam hiện nay. Đối với báo chí
phương Tây, tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp
của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của
báo chí. Chẳng hạn, các chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được
phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến
hạn chế hay tuyệt mật, không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích
quốc gia. Hơn nữa, hầu hết các tổ chức làm báo của phương Tây đều tự đưa
ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức
phải tuân thủ, chẳng hạn những tiêu chuẩn của việc hành nghề, hay còn
gọi là hệ thống đạo đức báo chí. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ
cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo
trong lúc hành nghề.
Bất
chấp tự do tư tưởng, báo chí phương Tây đã bị các chính phủ phương Tây
biến thành công cụ để bành trướng, áp đặt quan điểm phương Tây trên quy
mô toàn cầu. Nhiều triệu đô-la đã và đang được đổ ra để phát triển một
hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước
không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh
động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, một số cơ quan báo chí
phương Tây đã thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố”, “săn lùng
vũ khí hủy diệt", kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô
bạo vào những quốc gia có chủ quyền, ở nơi mệnh danh là mỏ “vàng đen”
của thế giới.
Hẳn
mọi người chưa thể quên báo chí phương Tây đã nhất loạt thổi phồng và
làm rùm beng cái gọi là “nguy cơ I-rắc sở hữu và chế tạo vũ khí giết
người hàng loạt”, rồi còn đưa tin I-rắc mua plutoni của một nước châu
Phi để chế tạo bom hạt nhân. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho mưu đồ can
thiệp bằng quân sự một cách thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế hòng
chiếm đoạt và bảo vệ các lợi ích của những thế lực đứng đằng sau điều
khiển những “công cụ” tuyên truyền nguy hiểm này. Đến khi cuộc chiến
tranh I-rắc nổ ra, nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp
“khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã
kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho
những hãng thông tấn, báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra.
Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với
dân thường đã bị đe dọa.
Như
vậy thì làm gì có cái gọi là “tự do báo chí” nằm ngoài sự kiểm soát của
chính phủ như một số nước phương Tây vẫn tuyên bố và thúc đẩy. Đó thực
chất chỉ là sử dụng báo chí để bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của họ.
Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo
chí chứ đâu phải vì tự do báo chí.
Đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải
phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì
hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi
ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc,
thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được. Luật Báo chí cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người. Luật Báo chí Việt Nam
khẳng định, báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể
chính trị và tổ chức xã hội, nghề nghiệp,… mà còn là diễn đàn tin cậy
của người dân.
Báo chí Việt Nam
có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ
cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho
chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất
cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hòa
bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam
đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu,
phát hiện những việc làm trái với pháp luật, đi ngược lại lợi ích của
nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ
tục, những tệ nạn xã hội.
Rõ ràng, ở Việt Nam,
vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên không thể có cái gọi là “báo chí mất
tự do” ở Việt Nam. Càng không thể coi sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam
là cản trở quyền tự do báo chí của người dân cũng như những hoạt động
báo chí của các nhà báo. Đó chỉ là luận điệu của các vị chuyên hành nghề
“vu khống” dựa trên một mớ những cái gọi là “bằng chứng” của một số
người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với
não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Âu cũng là
vì họ mong nhận được hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài về tinh thần
lẫn vật chất.
Ở Việt Nam
có một số người cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các
tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam
để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ viết báo, hồi ký
phát tán ra ngoài với những lời lẽ hằn học, bêu riếu, vu cáo, nhổ toẹt
vào những hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có cả
những người thân của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ rên rỉ
rằng, ở đất nước này không có “tự do báo chí”, rằng thì phải “viết báo
trong vòng kìm kẹp của luật”… Nên dù có khoác lên người chiếc “áo” mỹ
miều “tự do báo chí” thì cũng không che giấu được bản chất đen tối, xấu
xa thật sự bên trong.
AMARI TX (Houston)