Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Thái Lan đã dạy cho HRW (Human Rights Watch) một bài học về Nhân Quyền


Nhiều năm qua, bằng việc tự nhận sứ mạng "bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới", Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) nhiều lần công bố thông tin xuyên tạc về vấn đề nhân quyền, đưa ra đòi hỏi phi lý, ngạo ngược với chính phủ một số nước, và luôn bị dư luận thế giới phản đối. Trong bối cảnh đó, có thể nói, việc gần đây trang web của HRW bị cấm hoạt động tại Thái-lan chính là một sự cảnh tỉnh đối với HRW.

Theo bản tin trên RFI ngày 29-11 có nhan đề Thủ tướng Thái ủng hộ việc cấm trang web của Human Rights Watch, ngày 28-11 Thủ tướng Thái-lan Pray-út Chan Ô-cha (Prayut Chan-Ocha) cho biết, Bộ Truyền thông và Thông tin của Thái-lan đã ra lệnh cấm trang mạng của tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) và ông hoàn toàn ủng hộ quyết định này, bởi trang mạng của HRW đã vi phạm các quy định về an ninh quốc gia của Thái-lan, ông coi đó là biện pháp để bảo vệ trật tự cho Thái-lan. Thủ tướng Pray-út cũng bác bỏ cáo buộc chính quyền Băng-cốc đã "khóa miệng" HRW, vì theo ông: "Nếu tự do có nghĩa là tất cả mọi người cùng được quyền viết bậy bạ và thóa mạ người khác, thì Thái-lan sẽ không tồn tại được". Ðồng thời, Thủ tướng Thái-lan cho rằng, HRW cũng như giới truyền thông Thái-lan nên tập trung nhiều hơn tới các sáng kiến chính trị mới của nội các do ông điều hành.

Dư luận thế giới cho rằng, hành động trên được cho là để đáp trả báo cáo ngày 25-11 của HRW về tình hình nhân quyền ở Thái-lan. Vì trong báo cáo này, HRW chỉ trích chính phủ quân sự Thái-lan đã đàn áp nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản của con người sau sáu tháng kể từ khi đảo chính (ngày 22-5); thậm chí B. A-đam, Giám đốc khu vực châu Á của HRW còn cho rằng, tình hình nhân quyền tại Thái-lan "rơi xuống hố sâu không đáy" vì những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, xét xử bởi tòa án quân sự, truyền thông bị kiểm duyệt, quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp bị đàn áp... HRW nhận xét Hội đồng Quốc gia cầm quyền vì hòa bình và trật tự (NCPO) do Thủ tướng Pray-út đứng đầu chưa chứng tỏ được bất kỳ dấu hiệu cho thấy sẽ phục hồi thể chế dân chủ tại Thái-lan! Hẳn là cái gọi là báo cáo nhân quyền của HRW đã trở thành giọt nước làm tràn ly, bởi liên tục trong các tháng gần đây, lúc thì HRW phê phán việc trừng trị nghiêm khắc tội "khi quân" gia tăng tại Thái-lan; lúc thì cho rằng Thái-lan "giam giữ trẻ em nhập cư vô thời hạn không đúng các tiêu chuẩn đối xử với trẻ em",...
Việc Thái-lan phản đối báo cáo nhân quyền, ngăn chặn trang mạng của HRW là một đòn giáng mạnh vào uy tín vốn từ lâu đã lung lay của tổ chức này. Ðây không phải là lần đầu và Thái-lan cũng không phải là quốc gia duy nhất đã bị HRW chỉ trích, đánh giá thiếu công tâm, thậm chí thiên vị, lệch lạc. Nhiều quốc gia trên thế giới, một số tổ chức phi chính phủ (NGOs), giới truyền thông và ông R.L. Béc-ten (Bernstein) - một trong các nhân vật sáng lập và là cựu chủ tịch HRW, đã nhiều lần chỉ trích HRW. Có thể chia các chỉ trích đối với HRW thành hai loại, gồm: năng lực nghiên cứu yếu kém, báo cáo thiếu chính xác; thái độ thiên lệch, lợi dụng ý thức hệ. R. Mơ-đốc (Murdoch), ông chủ tờ Thời báo (The Times), đã cáo buộc HRW thiếu kiến thức chuyên sâu, đưa tin không chính xác về cuộc chiến tại dải Ga-da, Áp-ga-ni-xtan. Viện nghiên cứu Monitor thì cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế; thể hiện sự thiên lệch trong phương pháp thu thập thông tin vì tin tưởng thái quá vào "mắt thấy tai nghe" của những người được họ gắn mác "nhân chứng" trong khi lại bỏ ngoài tai tất cả thông tin do chính quyền cung cấp. Ðiều này không chỉ xảy ra với trường hợp báo cáo về tình hình nhân quyền ở dải Ga-da, Áp-ga-ni-xtan, mà còn lặp lại với hầu hết báo cáo nhân quyền do HRW tổng kết, đánh giá.

Hằng năm, HRW công bố cái gọi là báo cáo nhân quyền phản ánh tình hình nhân quyền ở gần 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ðiều này sẽ là bình thường nếu HRW có thái độ khách quan, trung thực, thiện chí nhằm đóng góp vào sự phát triển nhân quyền trên thế giới nói chung, và của mỗi quốc gia nói riêng. Nhưng đáng tiếc là thông tin, đánh giá HRW đưa ra chủ yếu cóp nhặt một chiều, sai sự thật, khiến dư luận đặt câu hỏi đâu là mục đích thật sự của HRW? Phải chăng sau khi tự phong cho mình một "sứ mệnh", là HRW có điều kiện để nấp dưới "vỏ bọc nhân quyền" mà can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một số quốc gia trên thế giới? Có một vấn đề không thể không quan tâm là nhiều năm qua cái gọi là báo cáo của HRW chỉ tập trung vào các quyền chính trị và dân sự, phớt lờ các quyền kinh tế và xã hội. HRW tuyên bố sứ mệnh của họ là bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới, buộc chính phủ các nước chấm dứt các hình thức lạm quyền, tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế về nhân quyền, cụ thể là Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ), trong đó quy định đầy đủ các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, dường như HRW lại không "hài lòng" với các quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền LHQ khi văn bản này yêu cầu chính phủ các nước phải bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội cho người dân, phải chăng vì yêu cầu đó mâu thuẫn với những giá trị mà HRW theo đuổi? Có lẽ những người ở HRW coi việc Tuyên ngôn nhân quyền LHQ khẳng định "quyền được ăn, mặc, quyền có chỗ ở, được hưởng các dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội khác" (Ðiều 25), "quyền được chia sẻ lợi ích của các tiến bộ khoa học" (Ðiều 27) là việc của cá nhân chứ không phải là trách nhiệm của các chính phủ, nên họ chỉ tập trung theo đuổi, ủng hộ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận? Bởi hoạt động của HRW cho thấy họ đã bảo vệ các quyền cơ bản của con người theo những phương cách rất phiến diện.

Có thể nói, do bị tác động nặng nề bởi các quan điểm chính trị nên HRW thường đưa tin sai lệch, có dụng ý để hướng vào các nước không chọn đường đi với phương Tây như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a, Ê-cu-a-đo, Xri Lan-ca, Ê-ti-ô-pi-a; đồng thời tâng bốc các giá trị "tự do, dân chủ" theo kiểu phương Tây. Trong báo cáo nhân quyền năm 2013, HRW chỉ trích Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la là các quốc gia có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất khu vực Mỹ la-tinh, cáo buộc chính phủ các nước này "lạm quyền, chà đạp các quyền cơ bản của con người" - chủ yếu là các quyền chính trị và dân sự, mà không hề đề cập đến tiến bộ của hai quốc gia này trong khi bảo đảm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân. Quan tâm đến nhân quyền, chẳng lẽ HRW không mảy may suy nghĩ về việc người dân ở Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la được hưởng nền giáo dục và dịch vụ y tế miễn phí, được bảo đảm nhu cầu chỗ ở, thực phẩm thiết yếu, hay theo HRW thì đó không phải là thành tích nhân quyền? Cũng trong Báo cáo nhân quyền năm 2013 của HRW chỉ trích mạnh mẽ việc chính quyền nước Nga đàn áp các cuộc biểu tình quá khích phản đối Tổng thống Pu-tin năm 2012, trong khi không hề đề cập đến việc hàng chục nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình "chiếm phố Wall", biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại nhiều nước phương Tây?

Với Việt Nam, thông tin về tình hình nhân quyền tại Việt Nam mà HRW đưa ra chủ yếu dựa trên cơ sở khai thác từ in-tơ-nét - nơi các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn hằng ngày reo rắc tin tức thất thiệt, dựng đứng một số sự kiện, xuyên tạc đường lối, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam. Không chỉ vậy, HRW còn "tích cực phỏng vấn từ xa" các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, liên lạc với một số người thân của các nhân vật này để khai thác thông tin một chiều, tạo diễn đàn giúp họ đưa ra luận điệu vu khống, vu cáo. Vì thế trong cái gọi là báo cáo nhân quyền của HRW luôn xuất hiện các cá nhân bị Tòa án nhân dân ở Việt Nam xét xử, tuyên phạt án tù vì đã vi phạm pháp luật, như Bùi Kim Thành, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Công Ðịnh, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (còn gọi Hải "Ðiếu cày"),... Không chỉ vậy, các năm qua, HRW còn có một số việc làm hết sức lố bịch, mà ngay các cơ quan có thẩm quyền của LHQ cũng chưa bao giờ tiến hành. Lúc thì họ gửi "văn thư yêu cầu Quốc hội Việt Nam nên bảo đảm bản hiến pháp sửa đổi phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền", lúc khác lại gửi thư tới ông T.A-bớt (Thủ tướng Ô-xtrây-li-a) bày tỏ sự "quan ngại" vì ông T.A-bớt "không nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Việt Nam trong các cuộc họp bên lề nhiều hội nghị, trong đó có hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương". Ðặc biệt, tháng 6-2014 vừa qua, sau khi đại diện Việt Nam công bố tại Hội đồng nhân quyền LHQ danh sách 182 khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trên tổng số 227 khuyến nghị các nước và tổ chức quốc tế đã nêu ra trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần hai đối với Việt Nam, thì HRW lại nhằm vào những khuyến nghị Việt Nam chưa chấp thuận để cho rằng "khước từ những kêu gọi này khiến người ta thắc mắc về sự chân thành trong các lời cam kết tôn trọng nhân quyền của Hà Nội"! Chẳng lẽ HRW không thấy đây là tỷ lệ chấp thuận rất cao (80,17%) trong lịch sử hoạt động của UPR, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, chân thành, cởi mở và quyết tâm của Việt Nam trong khi tăng cường, tiếp tục phát triển nhân quyền? Chẳng lẽ 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ lại không có ý nghĩa đối với HRW, hay HRW tự cho mình quyền bất chấp sự thật?

Sai lầm trong quan điểm chính trị, thiếu tinh thần khách quan, luôn có thái độ thiên vị trong tiếp xúc, đánh giá (dường như còn bị thao túng bởi các thế lực muốn sử dụng nhân quyền làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của một số quốc gia?), kết hợp phương pháp thu thập thông tin phiến diện và luôn có chủ ý,... HRW thường xuyên bóp méo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đó là việc làm không thể chấp nhận. Từ một tổ chức được lập ra vì tự thấy có sứ mệnh bảo vệ và phát huy các quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới (!), bằng việc làm của họ, HRW đã và đang mất uy tín trầm trọng. Thiết nghĩ, nếu HRW vẫn tiếp tục đi theo lối mòn phi lý và phi nghĩa này, thì không gì có thể bảo đảm trục xuất hai nhân viên HRW tại Vê-nê-xu-ê-la năm 2008 hay việc chặn website của HRW tại Thái-lan sẽ không tái diễn ở quốc gia khác, khi ấy, hình ảnh của HRW sẽ ra sao?


LAM SƠN

7 nhận xét:

  1. Chuẩn. Cũng là một bài học cho bọn Rận ở Việt Nam sáng mắt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bọn Rận luôn viện dẫn các "Tuyên ngôn Nhân quyền" hay "hiến pháp" nhưng thực chất bọn chúng không dám trích dẫn những điều hạn chế trong các tuyên ngôn và hiến pháp ấy. Nhưng cũng trách các nhà chức trách của chúng ta quá lỏng lẽo với bọn viết bậy, viết nhảm. Chúng ta cần mạnh tay hơn để "bịt mõm" bọn nói bậy, lũ vu khống nhưng đánh tráo danh từ bằng các từ phản biện hay tự do ngôn luận.

      Xóa
    2. Cho phép cháu mang bài này về bên cháu nhé.
      Cảm ơn.

      Xóa
  2. Anh Chế (Che Guevara)

    Vì không biết được email của anh để tiện liên lạc nên phải dùng Blog của anh vậy.

    Tôi biết khá nhiều về các bài viết hoặc nhận xét của anh trên các trang mạng trong và ngoài nước. Rất hợp ý tôi.

    Nhân nay thấy trên vnexpress có đăng bài này: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bi-an-mo-chon-tap-the-lon-nhat-sai-gon-3313758.html

    Điều đáng ngạc nhiên là BBT không nói rõ lịch sử của Mã Ngjy mà cho là do hiềm khích của các quan lại đương thời. Xem ra bọn họ cố ý 'viết lại lịch sử' dưới ảnh hưởng của Ca-tô Rô-ma làm cho nhiều độc giả, đa số bạn trẻ, viết lời bình sai lạc chê trách vua MM. Tôi có gởi comment như sau:

    "Phần Lịch sử tóm lược của bài đã được “viết lại sửa sai” không đúng. Sự thật là như sau:
    Vua Minh Mạng (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1848) nhận ra mối hiểm họa mất nước gây ra bởi những tên gián điệp đội lốt giáo sĩ nên quyết liệt trừng trị bọn này và đám giáo gian cốt tiêu diệt “đạo tà vạy”; nhưng lực bất tòng tâm, vi trùng Ca-tô đã lan khắp cơ thể nước Việt rồi. Vua Minh Mạng cho công bố hai đạo dụ cấm đoán Ca-tô giáo các năm 1848 và 1851, và làm ra "Thập điều giáo huấn" để giáo hóa dân về nguy cơ tà đạo sau khi một gián điệp đội lốt giáo sĩ tên Marchand (tên Việt là Cố Du) đã mưu giúp Lê Văn Khôi, con nuôi của cố tả quân Lê Văn Duyệt, lập nên một nước theo đạo Ca-tô ở đất Gia Định bất thành và bị hành quyết."

    Nhưng họ không đăng.

    Mong anh dùng ảnh hưởng trong nước phản biện và phê bình chứ xem ra WTO và TTP đã làm thay đổi quan điểm cách mạng của các ông lớn.

    Thân

    Đinh Cương

    Trả lờiXóa
  3. Thái Lan đã có thái độ rất cương quyết, có như vậy thì HRW mới tịt ngòi

    Trả lờiXóa
  4. Phải có biện pháp mạnh tay với HRW như Thái Lan đã làm thì mới được

    Trả lờiXóa