Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Kiều bào viếng nghĩa trang Bình An -Nghĩa trang lính VNCH chết trận

Kiều bào viếng nghĩa trang Bình An:"Đối diện với sự thật, chúng tôi thấy xấu hổ"


 Trước đó, đoàn kiều bào đã đi thăm Trường Sa và tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các thế hệ người VN đã   hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trưa 27-4, đoàn các kiều bào đi thăm quần đảo Trường Sa và tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và đồng bào ta, bạn bè quốc tế tử nạn trên biển, đã trở về lại TP.HCM. Ngay trong chiều 27-4, đoàn công tác đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương và Nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội Biên Hòa thời Việt Nam Cộng hòa).
Khi vào đến Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương, ông Nguyễn Ngọc Lập, nguyên thiếu úy thủy quân lục chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa (Việt kiều California) và nhiều đại biểu đã thành kính thắp nhang tại bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ.
Sau đó, các đại biểu đi thăm những ngôi mộ của những người lính cộng hòa nằm nghỉ tại Nghĩa trang nhân dân Bình An. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trưởng đoàn công tác, đã cùng đoàn đại biểu đã đến viếng nhiều ngôi mộ. Trong đó có những bia mộ có hình ảnh người đã khuất, lúc sinh thời mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa. Ông Sơn chỉ vào một ngôi mộ và nói: “Đây là ngôi mộ các anh làm từ năm 1975, người dân đã quét vôi lại cho các anh”. Chỉ vào tấm bia mộ cũ mang tên hạ sĩ Hà Hữu Lộc, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 43, Sư đoàn 78, ông Sơn tiếp: “Bia mộ vẫn còn nguyên phiên hiệu, đơn vị…Những ngôi mộ thế này xây từ ngày xưa có ai phá đâu. Chân lý ở đâu, sự thật ở chỗ nào khi các anh cứ hô hào, kêu gọi chống cộng, nói rằng cộng sản không làm gì cho nghĩa trang. Trong khi đồng đội quý vị nằm đây, một cent quý vị cũng không đóng góp. Nếu đất nước không có đại đoàn kết thì những ngôi mộ kia có còn những tấm bia nguyên vẹn như vậy không?”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (thứ hai từ phải sang) và các kiều bào thăm mộ ở Nghĩa trang Bình An. Ảnh: TM
“Đồng đội của ông Nguyễn Ngọc Lập đây, phần mộ còn nguyên. Chúng tôi trân trọng và để lại tất cả những gì còn trước năm 1975. Nếu nhân dân không tôn trọng, không lấy nghĩa đồng bào, nghĩa tử là nghĩa tận… thì làm gì còn mộ như thế này. Các vị cứ nói cộng sản tàn phá trong khi nghĩa trang thì còn nguyên mộ. 40 năm nay nếu không có nhân dân địa phương chăm sóc, vun đắp thì mộ có còn không? 40 năm nay tấm bia này vẫn nguyên vẹn nằm đây, có ai phá phách không? Quý vị ra hỏi người dân đang làm mộ ngoài kia, có ai phá họ không?”.
Trước những câu hỏi dồn dập của thứ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Lập, nguyên thiếu úy thủy quân lục chiến quân đội Việt Nam Cộng hòa (Việt kiều California), mới lên tiếng: “Từ đầu đến cuối tôi im lặng vì tôi xấu hổ. Chúng tôi cảm thấy đau lòng và nhục nhã. Chúng tôi xin đồng bào mỗi khi đi về Việt Nam thì chỉ cần mỗi người một đôla là đủ xây mộ cho nơi này rồi. Hôm nay tôi không phải đến đây để đối thoại mà chúng tôi đến để đối diện với sự thật. Chúng tôi cảm thấy xấu hổ”.
Thứ trưởng Sơn tiếp lời: “Quý vị có thấy một sự thật là những ngôi mộ có thân nhân chăm sóc thì xây rất đẹp đẽ khang trang. Những ngôi mộ được xây từ trước năm 1975 đến giờ vẫn giữ nguyên. Tất cả ngôi mộ không có thân nhân chăm sóc đều được ban quản lý nghĩa trang đắp lại hằng năm không để lún sụt. Mộ vẫn được đắp lại, hương vẫn được thắp vì còn dấu tích chân nhang… . Quý vị hãy dũng cảm nhìn vào sự thật để thấy rằng những người nằm đây đã bị chính đồng đội của họ lãng quên chứ nhân dân địa phương không quên họ”.
 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta đang làm một việc  chính nghĩa.

 Chuyến đi đến với Trường Sa và thềm lục địa phía nam vừa rồi hết sức ý nghĩa và thành công to lớn. Không chỉ có các tổ chức của các cơ quan đoàn thể trong nước mà còn có đại diện bà con hải ngoại về. Trong đó có những người trước đây còn có tư tưởng chống đối quyết liệt. Ra Trường Sa, họ thấy được sự trung thực của chúng ta trong vấn đề tuyên truyền. Thực tế chúng ta đã chứng minh cho bà con thấy được chúng ta giữ được toàn vẹn lãnh thổ. Tôi không hiểu họ lấy thông tin chúng ta đã bán đất cho nước ngoài ở chỗ nào. 

Những kiều bào đã nghe lời khuyên của chúng tôi và trở về, có người trở về để hy vọng tìm thấy điều cực đoan mà họ muốn. Nhưng khi bước chân ra Trường Sa và về viếng nghĩa trang, họ đã đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, từ xúc động này đến xúc động khác. Bởi vì chúng ta đang làm một việc rất chính nghĩa: Đang làm thay họ bảo vệ toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ ông cha để lại, thay họ làm cho những đồng đội của họ nằm đây được mồ yên mả đẹp, thay họ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống của ông cha chúng ta: Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo.
 1. “Tôi muốn xem có giả dối nào không… nhưng ngược lại hoàn toàn”

 Trong quá khứ, tôi rất cực đoan với Nhà nước. Tôi muốn đến Trường Sa vì lý do duy nhất: Coi Nhà nước này có giấu giếm gì không vì tôi nghe rất nhiều rằng biển Đông biến động, không có an ninh, rằng Nhà nước Việt Nam đã dâng biển, đảo cho nước ngoài. Tôi nhất quyết phải về để tận mắt nghe, thấy. Chuyến đi 10 ngày để tìm coi có một vết tích nào giả dối hay không, quả thật là không hề có mà ngược lại còn tuyệt vời hơn những gì tôi ước định trong đầu. Đến Trường Sa, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ các công trình kiến trúc rất vững chắc cho đến cuộc sống vui tươi của quân dân trên đảo… Với tất cả chiến sĩ mà tôi đã gặp, họ có một ý chí sắt đá vô cùng với tinh thần tất cả cho Tổ quốc. Tôi nói với chiến sĩ Trường Sa rằng khi cần, hãy cho phép tôi được đứng chung trong hàng ngũ của anh em để sẵn sàng bảo vệ quần đảo tươi đẹp này. 

Luật sư DAVID NGUYỄN, Trưởng ban vận động và tổ chức bầu cử hội đồng đại diện cộng đồng người Việt quốc gia Houston và vùng phụ cận.
 2. Một chuyến đi thấy được rất nhiều điều:

 Lễ tưởng niệm này tưởng niệm những người của hai bên đã nằm xuống ở Gạc Ma và Hoàng Sa, tức không phân biệt ở chế độ nào, đã biểu hiện rõ tinh thần đại đoàn kết và hòa giải dân tộc. Điểm thứ hai là tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trên biển Đông, những thuyền nhân tử nạn trên biển, những người làm việc ở các nhà giàn… Thể hiện đạo lý dân tộc rất cao lớn. Trang sử Việt Nam đã bước qua trang mới rồi, trang sử cũ từ từ khép lại. Quên đi những trang sử đau khổ của Việt Nam, mà hãy phát triển Việt Nam, muốn vậy phải giải quyết khối đại đoàn kết của người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại. Hòa giải hòa hợp lẫn nhau. Chỉ có một con đường duy nhất cho hòa giải dân tộc, đó là lấy đạo lý dân tộc và vì dân tộc là trên hết. Ông Võ Văn Kiệt từng nói sau ngày miền Nam mất: “Triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Bây giờ sẽ không còn những người buồn nữa mà là đã mang lại niềm vui cho cả dân tộc. Điển hình nhất là chuyến hải trình vừa rồi đã cụ thể hóa chương trình hòa hợp dân tộc, để kiều bào về tận mắt chứng kiến người lính đã kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế nào. Đồng thời nhìn thấy sự toàn vẹn lãnh thổ như thế nào.

(Nhà báo LÝ KIẾN TRÚC, Câu lạc bộ văn hóa và báo chí quận Cam.)
3. Thấy nhiều lời đồn không có căn cứ

Tôi lớn tuổi nhất đoàn, 81 tuổi. Sau chuyến đi, điều tôi yên tâm nhất là biết được Nhà nước quyết tâm bảo vệ Trường Sa và luôn khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Tất cả chiến sĩ đều nói cùng một tiếng nói là sẽ mềm mỏng nhưng nếu cần sẽ kiên quyết chống trả. Do đó, luận điệu Việt Nam đã dâng đất, dâng biển cho nước ngoài là không có căn cứ.

(Ông BÙI DUY TÂM, Việt kiều Mỹ)
                                                                                                            (Theo Pháp Luật TP.HCM)

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Những người không có tư cách nói về “tự do báo chí” ở Việt Nam

QĐND - Nhân sự kiện một số nhà hoạt động gọi là "tự do và nhân quyền" của Việt Nam tới Hoa Kỳ, theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ và một số tổ chức cổ xúy cho cái gọi là "tự do thông tin", Tổng biên tập trang mạng Viethaingoai.net tại Mỹ, ông John Lee, bút danh Amari tx, từ Houston đã dành riêng cho Báo Quân đội nhân dân bài viết, trong đó cho rằng, những nhà hoạt động này không có tư cách để nói về tự do báo chí ở Việt Nam... Báo Quân đội nhân dân xin được trích đăng.
Tưởng việc này chẳng ai quan tâm bởi mấy nhà hoạt động kiểu này sang Hoa Kỳ để làm mấy cái chuyện gây bất lợi cho Việt Nam đâu phải lần đầu tiên. Chuyến đi dù được tổ chức nhân Ngày Tự do báo chí thế giới (3-5) cho có vẻ khách quan nhưng cũng chẳng che giấu được ý đồ bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam của cả người mời lẫn người được mời. Vì đứng ra tổ chức và đài thọ cho các khách mời từ Việt Nam này không ai khác lại là một số cơ quan, tổ chức khét tiếng chống phá Việt Nam như Đài Châu Á tự do, Tổ chức Phóng viên không biên giới hay Đảng Việt Tân… Còn các "nhà hoạt động" có tên Nguyễn Thị Kim Chi, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh và Lê Thanh Tùng chỉ là những cây viết tự do, không tên tuổi, chưa nói tới vấn đề tư cách hay đạo đức nghề nghiệp vì đã lợi dụng facebook hay blog để tuyên truyền những nội dung đi ngược lại lợi ích của chính quê hương mình.
Đông đảo phóng viên tác nghiệp tại buổi khai mạc Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: Minh Trường.
Để xem họ làm gì ở Hoa Kỳ? Nghe đâu các khách mời này được tham gia một loạt sinh hoạt như điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, thảo luận về những thử thách của việc khởi động một nền báo chí độc lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các “nhà” này còn được mời tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, LHQ, một số dân biểu Mỹ, các tổ chức nhân quyền, công ty tin học, tham gia khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh mạng. Tiếp xúc với một loạt cơ quan, tổ chức quan trọng bàn về một vấn đề quan trọng như thế, với bảng “thành tích đen” chống phá Việt Nam cùng trình độ có hạn như vậy, chẳng hiểu các vị khách mời đó lấy tư cách gì mà "đòi" tự do cho nền báo chí Việt Nam - nơi có nền báo chí được đánh giá là đang phát triển nhanh chóng?
Ở đây, cần làm rõ thực chất cái gọi là "tự do báo chí" của phương Tây và thực trạng hoạt động báo chí của Việt Nam hiện nay. Đối với báo chí phương Tây, tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của báo chí. Chẳng hạn, các chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật, không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Hơn nữa, hầu hết các tổ chức làm báo của phương Tây đều tự đưa ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức phải tuân thủ, chẳng hạn những tiêu chuẩn của việc hành nghề, hay còn gọi là hệ thống đạo đức báo chí. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề.
Bất chấp tự do tư tưởng, báo chí phương Tây đã bị các chính phủ phương Tây biến thành công cụ để bành trướng, áp đặt quan điểm phương Tây trên quy mô toàn cầu. Nhiều triệu đô-la đã và đang được đổ ra để phát triển một hệ thống báo chí hùng hậu nhằm quấy nhiễu tư tưởng ở tất cả các nước không cùng quan điểm. Diễn biến thế giới gần đây đã phản ánh khá sinh động điều ấy. Bằng cái gọi là “tự do báo chí”, một số cơ quan báo chí phương Tây đã thổi phồng lên các chiêu bài “chống khủng bố”, “săn lùng vũ khí hủy diệt", kiếm cớ “hợp pháp” để can thiệp quân sự một cách thô bạo vào những quốc gia có chủ quyền, ở nơi mệnh danh là mỏ “vàng đen” của thế giới.
Hẳn mọi người chưa thể quên báo chí phương Tây đã nhất loạt thổi phồng và làm rùm beng cái gọi là “nguy cơ I-rắc sở hữu và chế tạo vũ khí giết người hàng loạt”, rồi còn đưa tin I-rắc mua plutoni của một nước châu Phi để chế tạo bom hạt nhân. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho mưu đồ can thiệp bằng quân sự một cách thô bạo, bất chấp luật pháp quốc tế hòng chiếm đoạt và bảo vệ các lợi ích của những thế lực đứng đằng sau điều khiển những “công cụ” tuyên truyền nguy hiểm này. Đến khi cuộc chiến tranh I-rắc nổ ra, nhiều hãng thông tấn, nhiều tờ báo đưa tin không hợp “khẩu vị” của họ thì bị cấm đưa tin, bị kiểm duyệt. Chính quyền Mỹ đã kiểm soát rất chặt chẽ các báo, đài đưa tin chiến sự, họ chỉ đồng ý cho những hãng thông tấn, báo chí nào tuân theo những “Luật” do họ đặt ra. Những nhà báo đưa tin về sự thật tàn bạo của quân đội Mỹ gây ra đối với dân thường đã bị đe dọa.
Như vậy thì làm gì có cái gọi là “tự do báo chí” nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ như một số nước phương Tây vẫn tuyên bố và thúc đẩy. Đó thực chất chỉ là sử dụng báo chí để bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của họ. Đó chính là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận, thủ tiêu vai trò của báo chí chứ đâu phải vì tự do báo chí.
Đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được. Luật Báo chí cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người. Luật Báo chí Việt Nam khẳng định, báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội, nghề nghiệp,… mà còn là diễn đàn tin cậy của người dân.
Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Đây là điều cần thiết với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới, mong muốn xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định, vì hạnh phúc. Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Báo chí tham gia xây dựng đời sống mới, đấu tranh với những hủ tục, những tệ nạn xã hội.
Rõ ràng, ở Việt Nam, vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên không thể có cái gọi là “báo chí mất tự do” ở Việt Nam. Càng không thể coi sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam là cản trở quyền tự do báo chí của người dân cũng như những hoạt động báo chí của các nhà báo. Đó chỉ là luận điệu của các vị chuyên hành nghề “vu khống” dựa trên một mớ những cái gọi là “bằng chứng” của một số người có tư tưởng xuất phát từ mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực, với não trạng luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc. Âu cũng là vì họ mong nhận được hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài về tinh thần lẫn vật chất.
Ở Việt Nam có một số người cơ hội chính trị đã kết bè với nhau và liên kết với các tổ chức chống cộng cực đoan, các tổ chức thù địch với Việt Nam để phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ viết báo, hồi ký phát tán ra ngoài với những lời lẽ hằn học, bêu riếu, vu cáo, nhổ toẹt vào những hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ đi trước, trong đó có cả những người thân của họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Họ rên rỉ rằng, ở đất nước này không có “tự do báo chí”, rằng thì phải “viết báo trong vòng kìm kẹp của luật”… Nên dù có khoác lên người chiếc “áo” mỹ miều “tự do báo chí” thì cũng không che giấu được bản chất đen tối, xấu xa thật sự bên trong.
                                                                                                                                                                      AMARI TX (Houston)

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

BA MƯƠI CHÍN NĂM - CHÍNH QUYỀN TAY SAI Ở SÀI GÒN SỤP ĐỔ


Sự sụp đổ tất yếu của một chế độ Bù nhìn, Bán nước
Thất bại tất yếu của một đội quân đánh thuê, chư hầu !

Tháng 4-1975, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, sau mấy chục năm chiến đấu hy sinh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng mấy chục năm qua, vẫn có một số người không dám nhìn thẳng vào sự thật, vẫn đưa ra một số luận điệu nhằm bao biện cho thất bại.


Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã diễn ra nhiều sự kiện phức tạp trên mặt trận quân sự, kéo theo sự phức tạp trên chính trường thế giới. Nhưng dù phức tạp như thế nào thì không ai có thể bác bỏ một sự thật rõ ràng, hiển nhiên là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam và sự sụp đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn. Vậy mà sau gần 40 năm, vẫn có người đặt câu hỏi "Có phải chính quyền Sài Gòn sụp đổ vì bị Mỹ "bỏ rơi"?" để bao biện cho thất bại. Câu hỏi này dựa vào ý kiến của một số người từng một thời giữ vai trò quan trọng trong chính phủ Mỹ cho rằng họ đã thắng trong chiến tranh (!). Như cựu tổng thống R. Nixon coi việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ là do Quốc hội Mỹ không cho G. Ford quyền sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ nam Việt Nam như Nixon đã hứa với Nguyễn Văn Thiệu trước đó, không những thế, Quốc hội Mỹ còn bác đề nghị chi 722 triệu USD cứu nam Việt Nam (!). Còn H. Kissinger thì cho rằng thảm kịch của Mỹ là do tình hình nội bộ của Mỹ (ý nói vụ Watergate), nếu không có sự kiện này, R. Nixon đã có thể hạ lệnh ném bom quân bắc Việt ngay từ tháng 4-1973! Tuy nhiên, chính H. Kissinger cũng phải thừa nhận đã đánh giá sai về sự sẵn sàng của nhân dân Mỹ trong việc ủng hộ sự can thiệp của Mỹ. Trong cuốn Không hòa bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam GS L. Berman dẫn lời R. Nixon, H. Kissinger rằng, họ có thể nhìn thấy nam Việt Nam thất bại nhưng lại muốn thất bại đó không diễn ra trong nhiệm kỳ của mình; R. Nixon muốn một tình trạng bế tắc vô hạn định bằng cách sử dụng B.52 bảo vệ nam Việt Nam đến hết nhiệm kỳ tổng thống; Hiệp định Paris có thể sẽ tạo cớ cho Mỹ can thiệp vào nam Việt Nam, tuy nhiên vụ Watergate đã làm hỏng những toan tính đó,...!
Những người đặt câu hỏi: "Có phải chính quyền Sài Gòn sụp đổ vì bị Mỹ "bỏ rơi"?" đã không quan tâm tới ý kiến của rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu khẳng định thất bại của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi. Như F. Snepp viết trong cuốn Một khoảng thời gian thích đáng thì Hiệp định Paris chỉ là hình thức bỏ chạy của Mỹ, các vấn đề còn lại của chiến tranh không được giải quyết. Sau ngày chiến tranh kết thúc, xuất hiện tiếng nói giận dữ và oán hận từ phía Nguyễn Văn Thiệu và phụ tá thân cận của ông ta cho rằng họ thua trận vì bị Mỹ phản bội và bỏ rơi, thậm chí cho rằng nam Việt Nam thua trận vì vừa phải đối phó với bắc Việt, lại vừa phải đối phó với đồng minh của mình! Trong cuốn Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập, Nguyễn Tiến Hưng - Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chính quyền Sài Gòn, người được Nguyễn Văn Thiệu phái đi cầu viện lần cuối cùng, đã công bố một số bức thư R. Nixon gửi Thiệu. Trong một bức thư ngày 14-11-1972, R. Nixon nhấn mạnh: "Tôi tuyệt đối cam đoan với ngài rằng, nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt", và Thiệu đã coi những lời lẽ này như "lời hứa danh dự" và đó chính là một lý do để ông ta lên án Mỹ nặng nề trong diễn văn từ chức ngày 22-4-1975. Nhà báo, sử gia người Ðức - Tiến sĩ Winfried Scharlau (1934 - 2004), phóng viên chiến trường, một trong những nhà báo phương Tây cuối cùng rời Việt Nam trong tháng 4-1975 ghi lại: "Vào buổi tối, ông (Nguyễn Văn Thiệu) đã thổ lộ niềm cay đắng của mình về nước Mỹ trong một bài diễn văn trên truyền hình. Thiệu lên án Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ H. Kissinger đã không nhận ra, rằng Hiệp định do ông ta thương lượng trong tháng giêng 1973 đã dẫn miền nam đi tới chỗ chết, "Ai cũng nhận ra điều đó, nhưng Kissinger thì không. Các cường quốc có lợi ích chung. Chúng tôi không có gì để hy sinh ngoài đất nước nhỏ bé này"!
Trong tình thế phải "xuống thang" rút quân viễn chinh về nước, nhưng vẫn muốn gây sức ép để đạt được kết quả có lợi trên bàn hội nghị, Mỹ tiếp tục cố gắng kéo dài chiến tranh, thậm chí mở rộng chiến tranh ra ngoài biên giới miền nam Việt Nam. B.52 và cuộc tấn công tàn bạo trút bom xuống Thủ đô Hà Nội vào dịp Giáng sinh năm 1972 của R. Nixon đã không lật ngược được thế cờ. Mỹ phải chấp nhận Hiệp định Paris, và cũng gấp rút thực hiện các biện pháp đối phó. Ngay sau khi thống nhất khái niệm "ba vùng kiểm soát" trong dự thảo Hiệp định Paris, H. Kissinger lập tức điện cho E. Bunker - Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn, "yêu cầu Thiệu cố gắng hết sức để lấn chiếm được càng nhiều càng tốt vùng do Chính phủ cách mạng lâm thời kiểm soát". Và Thiệu đã gấp gáp xúc tiến kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ", lấn chiếm, bình định trong thời gian cố tình trì hoãn việc ký Hiệp định. Trước khi ký Hiệp định Paris, Mỹ gấp rút thực hiện hai kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường thêm nữa) để củng cố sức mạnh cho quân đội Sài Gòn với hy vọng đội quân này đủ sức đứng vững sau khi quân Mỹ rút đi. Trong thời gian từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, qua cầu hàng không, Mỹ đã cung cấp cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung hai triệu tấn dự trữ vật tư chiến tranh...
Vượt qua mọi toan tính của Mỹ, sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam đã liên tục giành những thắng lợi to lớn, đi đến thắng lợi cuối cùng. Về mặt quân sự, sau khi lính Mỹ đã rút đi, nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ bị sụt giảm đáng kể, quân đội Sài Gòn không thể làm nổi những gì mà hơn hai triệu lượt quân viễn chinh Mỹ và gần 10 triệu tấn bom đạn không làm được trong những năm trước đó. Về mặt chính trị, Mỹ chọn giữ lại Nguyễn Văn Thiệu như một bảo đảm về cơ hội để có thể tiếp tục can thiệp, bảo đảm vai trò của Mỹ ở khu vực,... Nhưng họ đã "đặt cược" sai. Vì cũng như các chính quyền trước đó ở Sài Gòn, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là do Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng. Chính quyền đó chỉ có thể tồn tại nhờ chiến tranh, nguồn sống của nó chỉ là viện trợ Mỹ, cho nên nó không thể giải quyết hàng loạt vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội phức tạp nảy sinh sau khi quân Mỹ rút, viện trợ Mỹ chỉ còn nhỏ giọt. Vì là chính quyền bù nhìn, cho nên khi Nguyễn Văn Thiệu cố dây dưa không ký Hiệp định Paris, trong thư gửi Nguyễn Văn Thiệu ngày 16-1-1973 R. Nixon mới có thể viết: "Tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt hiệp định vào ngày 23-1-1973 tại Paris. Nếu cần tôi sẽ làm đúng như nói trên một mình. Trong trường hợp đó tôi phải giải thích công khai rằng chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả sẽ là sự chấm dứt không tránh khỏi, lập tức viện trợ kinh tế, quân sự của Hoa Kỳ và một sự thay đổi nhân sự trong chính phủ của ông khó mà nói trước". Cách đây dăm năm, sau khi nội dung các cuốn băng ghi âm R. Nixon cho ghi tại Nhà trắng trong thời kỳ ông còn đương nhiệm được công bố, dư luận còn biết thêm nhiều điều. Trong những ngày bày mưu tính kế để rút quân Mỹ khỏi nam Việt Nam, ép chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải ký Hiệp định Paris, trao đổi với H. Kissinger, R. Nixon từng đưa ra ý kiến: "Nói một cách khác, tôi không biết sự đe dọa của chúng ta có đi quá xa hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì kể cả những điều không hay ho gì như cắt cái đầu Thiệu" (!). R. Nixon còn nói thẳng với cố vấn đặc biệt của Nguyễn Văn Thiệu: "Các ông hãy nhớ thật kỹ rằng: nếu không có viện trợ Mỹ thì Sài Gòn không thể tồn tại... không có ngân quỹ Mỹ thì Sài Gòn coi như chấm dứt". Ðó là ngôn ngữ của người biết mình có tư thế "ông chủ", ngôn ngữ của người chi tiền. Chính vì nhận ra số phận bù nhìn của mình, Nguyễn Văn Thiệu mới phải công khai thú nhận: "Mỹ còn viện trợ thì chúng ta còn chống cộng", "Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Ðộc Lập"!
Ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Cho nên dù thế lực ngoại xâm có sức mạnh vật chất to lớn đến đâu, dù thế lực ngoại xâm tàn bạo đến như thế nào cũng không thể làm suy giảm niềm tin, ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc. Vì thế, âm mưu và cố gắng tuyệt vọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ khi Hiệp định Paris được ký kết đến ngày 30-4-1975 càng làm cháy bỏng thêm ngọn lửa của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu đi đến đích cuối cùng. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trước hết bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chính nghĩa và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình của quân đội và nhân dân Việt Nam sau mấy chục năm đấu tranh gian khổ. Còn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tháng 4-1975, trước hết do tính chất bù nhìn và mục đích phản dân tộc của nó. Ðó là một trong các nguyên nhân đưa tới quyết định sai lầm về sách lược chính trị, chiến thuật quân sự của Nguyễn Văn Thiệu. Thất bại ở Buôn Ma Thuột vào tháng 3-1975 nhanh chóng làm đảo lộn thế trận của chính quyền bù nhìn này trên toàn miền nam. Một đội quân có hơn một triệu người, ở thời điểm năm 1975 được đánh giá đứng thứ tư trên thế giới về lục quân, không quân, đứng thứ chín về hải quân,... gấp đối phương hai lần về quân số, bốn lần về xe tăng, hơn tuyệt đối về không quân và hải quân, đã nhanh chóng tan rã và thất bại trong chưa đầy hai tháng. Vì tính chất phi nghĩa của sự tồn tại mà đội quân ấy đã thất bại. Nói như GS N. Chomsky thì đó là "đội quân thiếu sự ủng hộ của nhân dân (nhất là ở nông thôn)", hay theo cách nói của W. Colby - người từng đứng đầu phái bộ CIA tại miền nam Việt Nam - đó là đội quân được Mỹ cho mọi thứ cần thiết, "trừ sự dũng cảm"!


                                                                                                                         THIÊN PHƯƠNG