Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Bóc Mẽ “Đèn Cù” của Trần Đĩnh





Bóc Mẽ “Đèn Cù” của Trần Đĩnh




Trần Đĩnh là ai?

Sinh năm 1930, Trần Đĩnh tham gia Việt Minh vào năm 1946 lúc mới 16 tuổi, gia nhập Đảng công sản VN năm 1948. Tháng 12 năm 1945, do hoàn cảnh lịch sử, cơ quan ngôn luận của ĐCS rút vào hoạt động bí mật và cho ra đời và xuất bản tờ báo Sự Thật. Trong thời gian này Trần Đĩnh được điều về viết cho báo. Sau đó, ông được đưa qua học 5 năm tại đại học Bắc Kinh, từ 1955 cho tới 1959. Về nước ông làm ở báo Nhân Dân, tham gia nhóm “xét lại chống Đảng” nên bị xử lý vào năm 1967. Không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu cùng nhiều người khác, nhưng ông bị kiểm thảo và buộc phải đi làm công nhân đúc chữ một thời gian, sau đó được quay lại làm báo (Trần Châu bị bắt vì đánh cắp tài liệu tuyệt mật về trao đổi của VN và TQ để chuyển giao cho LX nhằm chặn viện trợ vũ khí của LX cho VN trong bối cảnh TQ và LX mâu thuẫn căng thẳng). Bước ngoặt đó đã làm Trần Đĩnh thay đổi hẳn tư tưởng rồi tuyên bố tham gia tranh đấu cho dân chủ cùng một số nhân vật bị xử lý trong vụ “chống Đảng”. Năm 1976, Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản, ông tuyên bố mình là một người yêu chuộng tự do dân chủ, ủng hộ những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam như Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Hà Sỹ Phu, Dương Thu Hương…

Trần Đĩnh, như trong tự truyện, đã tự nhận mình là người chấp bút tiểu sử của Hồ Chí Minh, viết hồi ký cho nhiều cán bộ cấp cao như Trường Chinh, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh…mặc dù không có tài liệu kiểm chứng, hình như là tự đánh bóng.

Mới đây, bắt chước Huy Đức (chắc thấy Huy Đức kiếm bộn) ông cho xuất bản ở Mỹ cuốn tự truyện “Đèn cù” với nhiều thông tin, tư liệu được giới dân chủ cuội tung hô. Tuy nhiên, hậu sinh khả úy, Huy Đức có cái chất lưu manh hơn qua thủ đoạn “mượn lốt hổ” việc viết hồi ký cho ông Võ Văn Kiệt để đi khắp nơi, kể cả chốn thâm cung để lấy tư liệu, phỏng vấn những nhân vật tai to mặt lớn. Đến khi ông Võ Văn Kiệt chết, Huy Đức trở mặt bán lòng tự trọng của một “ngự sử”  “sống để bụng, chết mang theo” để lấy đô la. Sách của Trần Đĩnh chẳng ma nào mua, đồng bọn phải đưa lên mạng và lập trang kêu gọi úy lạo cho Đĩnh.









 Đèn Cù viết gì vậy?



Ngót 600 trang “Đèn Cù” là một dạng hồi ký lịch sử kể về đời hoạt động và những sóng gió của đời ông, kể từ khi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1946 đến nay. Nội dung cuốn sách tập trung vào 5 vấn đề, gắn liền với những thăng trầm của đời Trần Đĩnh. Đó là, thời mở đầu tham gia Việt Minh ở chiến khu; Cải cách ruộng đất; Đi học đại học báo chí ở Trung Quốc; Tham gia trong nhóm “xét lại chống Đảng” và những tháng năm sau khi bị khai trừ khỏi Đảng vào năm 1976.

Từ đầu cuốn sách cho đến kết thúc là chuyện kể về quan hệ, ảnh hưởng, tương tác của nhiều nhân vật chủ chốt của Đảng, Nhà nước, trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng đối với Trần Đĩnh qua hàng chục năm cùng sống, cùng làm việc, cùng hoạt động, cọ xát. Tất nhiên là theo tự khoe và cảm hứng theo kiểu văn học của Trần Đĩnh. Cảm hứng mà như Trần Đĩnh đã viết trong phần nói về giai đoạn ở chiến khu: “Sớm nào chúng tôi cũng nằm sấp trên sàn thò đầu nhìn cụ chủ mở cửa thả dê ra rừng. Bốn năm chục con dê toàn cái chen nhau lao ra. Nhưng tới cửa con nào con nấy đều bị con dê đực chặn lại phủ nhay nháy mấy cái, việc mà chúng tôi đùa là “điểm đít” thay cho điểm tâm. (tr67)

Đèn Cù được viết như thế nào?

Như cách tự giới thiệu, Trần Đỉnh cho rằng đấy là một “tự truyện”, một thể loại nửa nạc, nửa mỡ mà nếu người đọc không có hiểu biết về phương pháp sáng tác thì rất khó nhận biết đâu là thật, đâu là hư cấu, đâu là tư liệu lịch sử, đâu là sáng tạo văn học. Bằng chứng là, suốt cả quyển sách ngót 600 trang tuyệt nhiên không có một dẫn chiếu tài liệu kiểm chứng nào (không như cách viết của Huy Đức trong “Bên Thắng cuộc”). Hoặc, chi tiết có tính “văn học” ở chiến khu Việt Bắc, cụ Hồ đi đái, Trần Đĩnh đi theo bị cụ mắng, khi đứng đái Trần Đĩnh cố liếc nhìn cái ấy của cụ thì chỉ thấy một đám đen đen, hồng hồng, đấy là cách viết hư cấu văn học. Những người đọc nhầm tưởng với loại hồi ký lịch sử, tin vào tư liệu trong sách là thật thì rất dễ bị nhầm lẫn, đánh lừa. Thủ pháp này được vận dụng với hầu hết nhân vật trong sách của Trần Đĩnh.

Với số lượng đồ sộ về nhân vật, những cái tên xuất hiện trong “Đèn Cù” hầu như đầy đủ các gương mặt chóp bu của chính thể Việt Nam. Từ những bậc tiền bối như cụ Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ… cho đến các tầng lớp kế tiếp đều được Trần Đĩnh điểm tên, điểm mặt, phác họa tính cách. Với thủ pháp “đồng hiện” xen lẫn giữa cái hiện thực với cái quá khứ, xen lẫn chép sử với hư cấu, Trần Đĩnh đã đưa hết họ vào sách của mình, bắt chước “Chiến tranh và hòa bình” của Tônxtoi. Chỉ có điều, những nhân vật của Trần Đĩnh hiện ra chủ yếu là những mặt xấu, trừ người thân của Đĩnh như cô Hồng Linh.

Mỗi con người, mỗi số phận nhân vật xuất hiện trong “Đèn Cù”, nhất là những nhân vật phản diện theo dụng ý của Trần Đĩnh đều có những tính cách na ná nhau, thủ đoạn, nhẫn tâm, thực dụng, dục vọng… Trần Đĩnh không ngại ngần xếp cả những nhân cách đáng kính của dân tộc như cụ Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… vào tuyến đó. Cách mô tả họ của Trần Đĩnh là nói ít về ưu điểm, nói nhiều về nhược điểm khiến họ méo mó. Chẳng hạn, Khi nói về ông Võ Nguyên Giáp Trần Đĩnh viết “Giáp là con nuôi mật thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế” (tr67). Văn Tiến Dũng hay ông Đỗ Mười “Dũng thợ may gần công nhân hơn Thái. Hay sau này Đỗ Mười thợ sơn, thợ hoạn lợn thì ưu tú hơn đứa được học cao” (tr93) đoạn mô tả Tố Hữu và Xuân Diệu ở chiến khu thế này: “Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân: – Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại cơm ăn toàn với măng.” (tr30).
Nhiều chỗ lắm, đọc kỹ mới thấy cái trơ tráo, nham hiểm của Trần Đĩnh.

Ý đồ của “Đèn Cù” là gì vậy?

Hạ bệ thần tượng, gây thù hận. Có vậy thôi.

Ngón hạ bệ thần tượng thì xưa nay nhiều kẻ vẫn làm, phương pháp chủ yếu vẫn là moi móc những chuyện đời tư, hư cấu những chuyện không có thật mà không dễ kiểm chứng, tiếu lâm để vẽ chân dung nhân vật. Qua bàn tay nhào nặn của họ, những con người đáng kính bỗng chốc trở thành méo mó, tầm thường.

Khác với những cây bút chống cộng cực đoan, cơ hội chính trị hiện tại, Trần Đĩnh có lối bôi nhọ bạo liệt hơn. Trần Đĩnh không ngại ngần khi động chạm đến những nhân vật ở tầng nguyên thủ quốc gia mà lâu nay vẫn được dân chúng mến mộ, tôn thờ, đưa lên cả bàn thờ gia tiên, lập đền thờ. Những nhân vật như Cụ Hồ khi mất hàng triệu người đứng dưới trời mưa khóc nức nở, như tướng Giáp khi mất hàng triệu người xuống đường đưa tiễn. Chạm vào họ là chạm vào dân tộc. Trần Đĩnh ngu ư, không hề, vấn đề là do quá chú mục vào “đặt bẫy” thù hận nên quên. Trong Đèn Cù, nếu dẫn ra đây thì nhiều lắm, sợ làm mất thời gian của bạn đọc, tôi chỉ nói đến một trường hợp mà cả dân tộc Việt Nam, thậm chí là thế giới tôn vinh, đấy là cụ Hồ Chí Minh. Đến cả cụ Hồ mà Trần Đĩnh cũng bôi tro, trát trấu bằng những chi tiết “vô đạo” như cụ cùng ông Trường Chinh đi dự buổi xử tử bà Nguyễn Thị Năm – Cát Long Hanh “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”.(tr82) Còn đời tư thì vợ này vợ nọ, nhân tình, nhân ngãi như cô X, cô Y ở Cao Bằng, Móng Cái… Có đoạn, Trần Đĩnh viết thế này: “Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy P.M. (Phương Mai) đến nữa. Chắc máy cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ”. (tr28)

“…Xin nói rõ chuyện như thế này: hồi đó, có ý kiến là ông Hồ cần có vợ để việc “giải quyết sinh lý” được điều hòa thì tốt cho sức khỏe. Và sau Hiệp định Genève 1954, người ta chọn một người “kháu” nhất trong số nữ cán bộ trẻ, đó là chị Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa và đưa chị từ Khu Bốn ra Hà Nội để tiến cử lên ông Hồ”. (tr30)

Cứ thế, mọi nhân vật đều trở nên méo mó, bé mọn, bất chấp việc tối kị là vu cáo những con người được nhân dân “phong thánh” như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…

Để gây thù hận, Trần Đĩnh đã xát muối, đục khoét vào những vết thương vốn đã liền da như “Cải cách ruộng đất”, “Xét lại chống Đảng”… Cái thâm hiểm của Trần Đĩnh là tung những vấn đề “có thật”, ngụy tạo thêm chi tiết để “đánh bã” lớp trẻ, những người không có thông tin xác thực đối chứng. Điều này được phơi bày qua cách viết ngụy tạo bằng chứng lịch sử, bóp méo sự thật, thổi phồng hậu quả.

Chỉ dẫn ra một chi tiết, khi viết về cải cách ruộng đất, Trần Đĩnh đã dùng cách hư cấu văn học để mô tả cho bằng được cái ác. Trần Đĩnh kể là đã viết một bài báo về vụ tử hình bà Cát Long Hanh (nhưng không nhớ nó là bài gì), trong đó có chi tiết “Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất… Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?” Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…” (tr8). Cái chi tiết mua áo quan và dẫm cho xương gẫy răng rắc thật hữu dụng cho mục đích của Đĩnh.

Còn tệ hơn, ở chi tiết đấu tố cụ thân sinh ông Phan Đăng Lưu (một chí sỹ cách mạng tiền bối). Trần Đĩnh viết “Chu Văn Biên (đội cải cách) ký lệnh xử tử bất kỳ ở đâu. Chính hắn sai trói gô bố đẻ của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Tài, lùa ông cụ vào đòn ống khiêng lên trại tù rồi sau cụ chết mất xác. Khi bị khiêng đi, cụ cứ chửi chúng mày khốn nạn, thằng Lưu kia, mày theo cộng sản để cho đàn em cộng sản của mày đối xử với tao thế này à? Du kích khiêng ông cụ lại đánh đá ông cụ…”. 
Sự thật, Trần Đĩnh đã phịa ở chi tiết “bố đẻ của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Tài”. Cụ Phan Đăng Tài mãi sau này, những năm 1980, vẫn còn biên soạn sách. Trong đó, có thể kể đến những bộ về ca dao tục ngữ. Cụ Phan Đăng Tài là cha ruột của nhạc sĩ Hồng Đăng. Và đồng thời, cũng là cha ruột của một phóng viên ở báo Nhân Dân (cơ quan cũ của Trần Đĩnh và Bùi Tín). Cụ Phan Đăng Tài chỉ là ngang hàng với cụ Phan Đăng Lưu. Là anh em, không phải cha/chú/bác của Phan Đăng Lưu.

Còn cái câu cụ chửi khi bị lùa vào đòn ống, khiêng đi: “chúng mày khốn nạn, thằng Lưu kia, mày theo cộng sản để cho đàn em cộng sản của mày đối xử với tao thế này à?”. Sự thật, cải cách ruộng đất diễn ra những năm 50, còn ông Phan Đăng Lưu đã hi sinh năm 1941.

Còn quá nhiều những chi tiết trong “Đèn Cù” kiểu như vậy, Trần Đĩnh cứ say sưa với mục đích kích động thù hận đến bất chấp sự thật lịch sử mà ai cũng biết. Đấy là cái sự ngu.

Còn nhiều lắm những thứ rác rưởi trong Đèn Cù, nhưng thôi, chỉ làm mất thì giờ của bạn đọc. Tôi chỉ có một lời khuyên thế này: Đừng mất thời gian với những rác rưởi ấy.


Nguồn Mõ Làng

http://molang0205.blogspot.com/2014/09/boc-me-en-cu-cua-tran-inh.html