Ký ức về:
“CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN – 1968” TẠI QUẢNG NGÃI.
Ý định viết lại ký ức về “Cuộc Tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968“ thôi thúc tôi, vì năm nay Kỷ niệm lần thứ 50 sự kiện vĩ đại ấy. Viết về một kỷ niệm bình thường thì dễ, nhưng viết về kỷ niệm một chiến dịch vĩ đại, mà tôi có vinh dự tham gia thật là khó.
Do đó tôi chỉ viết trong phạm vi mình nhìn thấy và tham dự mà thôi, không thể viết hết cho cả một chiến trường Quảng Ngãi rộng lớn được, vì thực tế lúc bấy giờ thông tin liên lạc rất hạn chế, nên việc nắm bắt được thông tin rất chậm và không chính xác...
Tôi viết lại ký ức này khi sự việc đã qua đúng một nửa thế kỷ rồi, nhiều người công tác và chiến đấu với tôi không còn nữa, nên tìm hiểu lấy số liệu rất khó khăn, mặt khác cũng chưa có tài liệu nào chính thức ghi chép đầy đủ về Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 vĩ đại này tại chiến trường Quảng Ngãi, nên chắc chắn bài viết còn nhiều thiếu sót, nếu đồng chí, đồng đội nào còn nhớ xin được nhắc nhở, bổ sung !
TÌNH HÌNH Ở QN TRƯỚC CHIẾN DỊCH..
Từ cuối năm 1964 đến tháng 4/1965 tình hình quân sự rất thuận lợi cho cách mạng miền Nam nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ “Quốc sách Âp chiến lược” bị phá hủy hoàn toàn. Mức độ kiềm kẹp của địch không còn chặt chẽ như trước, do lo sợ sụp đổ, nên Ngụy quân, Ngụy quyền thẳng tay đàn áp và bắn giết nhân dân một cách bừa bãi… Lúc bấy giờ quân Ngụy với số quân rất đông bao gồm quân chính quy cơ động, các liên đoàn biệt động quân, lực lương bảo an, địa phương quân, dân vệ dày đặc nhưng chúng chỉ đóng quân tại chỗ trong căn cứ hay các đồn bót mà không dám đi ra ngoài càn quét, bắn phá. Quân Giải phóng (QGP) lớn mạnh nhanh chóng, liên tục tấn công tiêu diệt các đồn bót lẻ, phát động quần chúng vùng lên phá tan hệ thông ấp chiến lược, kêu gọi anh em trong hàng ngũ Ngụy quân, ngụy quyền buông súng trở về với nhân dân…
Nhiều nơi QGP hành quân giữa ban ngày, ngay sát đồn bót địch, quân Ngụy cho người mang thư ra đưa cho cán bộ bên ta nói rằng, không nên hành quân giữa ban ngày như vậy, nếu cấp trên của chúng biết được là đã để cho QGP hành quân công khai như thế, chúng sẽ chịu trách nhiệm khiển trách và rầy rà…Nói tóm lại tình hình cuối năm 1964 đầu 1965 quân địch đã sắp sửa đầu hàng QGP nếu quân Mỹ không đổ bộ vào cứu giúp để vực quân Ngụy dậy.
Chỉ một diện tích chưa được 30km2, gần Huyện lỵ Đức Phổ quân Mỹ lập đồn bót dầy đặc |
Khi Quân Mỹ đổ bộ vào dần chiếm các địa điểm chiến lược trọng yếu ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, tại đây chúng lập những căn cứ trọng yếu của quân Mỹ tại Việt Nam, để vừa khống chế sự phát triển đang mạnh mẽ của quân ta và đồng thời làm chỗ dựa cho quân Ngụy vốn đã sắp đến hồi tan rã. Từ cuối năm 1965 đến đầu 1966 quân Mỹ đã chiếm đóng Chu Lai xây dựng căn cứ và sân bay quân lớn nhất Việt Nam, nó là căn cứ quân sự của Sư đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ khét tiếng số 9 (Marine 9th) đồng thời là căn cứ của Sư đoàn bộ binh Mỹ số 23 (23th infantry),…Mỹ xây dựng Chu Lai thành một sân bay quân sự lớn nhất VN, và là một căn cứ hậu cần chiến tranh khổng lồ của quân đội Mỹ, từ đây chúng có thế xuất phát đi ném bom hỗ trợ cho các cuộc hành quân càn quét của Mỹ-Ngụy thuộc Vùng chiến thuật I. Đồng thời cũng là sân bay có số lượt máy bay đi ném bom bắn phá miền Bắc nhiều nhất trong mọi điều kiện thời tiết !
Đóng chung quanh làm lá chắn cho quân Mỹ là Sư đoàn bộ binh Ngụy số 2 với quân số lên chục ngàn tên lính có trang bị mạnh mẽ nhất.
Ở phía Nam Quảng Ngãi Lữ đoàn 11 Bộ binh nhẹ và một bộ phận của sư 23 Bộ binh Mỹ chiếm đóng tại Gò Hội lập thành một Tập đoàn quân sự phản ứng nhanh rất mạnh trong khu vực nhằm thực hiện chiến dịch “tìm - diệt” của Wesmoreland từ 1966-1967. Đặc biệt căn cứ này đã gửi đi sâu vào cùng giải phóng của ta ở Nghĩa Hành, Ba tơ, Minh Long… những đội Task Fore hay còn gọi là nhóm Tiger Force gây ra biết bao nhiêu nợ máu với đồng bào ta với hàng ngàn người bị chúng giết vô tội một cách thương tâm và oan ức ở vùng Thung lũng Sông Vệ, tội ác này mãi đến năm 2003 mới được Phóng viên Michael D. Sallah, của tờ The Blade vạch trần sự thật tội ác của Mỹ mà chính quyền Mỹ cố tình làm ngơ. (1)
Tại Quảng Ngãi, những năm 1966-1967 Giặc Mỹ lúc nào cũng bắn giết vô cớ nhân dân vô tôii của chúng ta Thêm chú thích |
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO CHIẾN DỊCH:
Ngày 28/8/1966, Bộ chỉ huy liên quân Mĩ - Ngụy ở miền Nam điều sư đoàn Thanh Long (Rồng Xanh – Blue Dragon) Nam Triều Tiên, một loại lính chư hầu đánh thuê khét tiếng tàn ác vào đóng tại huyện Bình Sơn, nâng tổng số quân Mĩ và chư hầu lên 12.000 tên. Trên chiến trường Quảng Ngãi lúc này, nếu tính cả Bộ Tư lệnh sư đoàn 2 ngụy toàn bộ trung đoàn 4 với 4 tiểu đoàn, 2 tiểu đoàn của trung đoàn 6, 25 đại đội bảo an, 17 đại đội đặc biệt, 116 trung đội nghĩa quân (dân vệ), 1.000 cảnh sát, 1 chi đoàn thiết giáp, 17 đoàn bình định nông thôn, 1 đại đội hải thuyền (Duyên đoàn 6 đóng ở thôn Cổ Lũy), hai tiều đoàn BĐQ 36, 37 thì toàn bộ lực lượng địch trên đất Quảng Ngãi tăng gấp 6 lần so với năm 1965. Có nơi như Bình Sơn, 8 người dân có một tên lính.
Cùng với quân đông và vũ khí nhiều, quân địch tiến hành xây dựng sân bay Gò Hội, tập đoàn cứ điểm LZ Brocon, khu hậu cần Phổ Vinh, nâng tổng số cứ điểm đồn bót ở Quảng Ngãi lên 124, gồm 19 cứ điểm quân Mĩ, 17 cứ điểm Nam Triều Tiên, 89 cứ điểm quân ngụy. . Các sắc lính tràn ngập, gây ra biết bao khó khăn,gian khổ cho nhân dân không thể nào kể xiết. (2)
Quân Mỹ Ngụy tiến hành các cuộc càn quét rất ác liệt khắp ven biển Quảng Ngãi, lập hàng trăm đồn bót mới, có nhiều đồn đặt sâu vào cùng giải phóng như Núi Đất, Núi Thụ, Núi Dâu, Chóp Chài, Chóp Vung, Vực Liêm, Núi Võ, Núi Tròn, Búi Bút, Núi Tròn, Núi Bé, Núi Dầu, Núi Giàng, Núi Thụ, Núi Đất, Nui Voi v.v…những đồn bót này vững chắc như một căn cứ quân sự lớn, được trang bị nhiều pháo cối hỏa lực hạng nặng để khống chế và ngăn cản sự hoạt động của ta. Máy bay trực thăng vũ trang và trực thăng trinh sát ngày đêm bay qua lại chụp ảnh, bắt cóc người, khám xét người… gây ra một không khí căng thẳng chưa từng có trên toàn tỉnh. Nếu trước năm 1966 khi bộ đội chủ lực hay bộ đội địa phương của ta có thể đóng quân ở đồng bằng thì năm 1967 hầu như đều bị bật khỏi các vị trí đó mà đều phải di chuyển vị trí đóng quân trên núi hay vùng gần núi để dễ dàng vừa đánh định vừa rút khi chúng càn quét…
Sân bay quân Mỹ ở Chu Lai nơi có hàng vạn tên Mỹ và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ |
Tuy nhiên:
Từ mùa khô năm 1967 cho đến thu đông 1967, lực lượng vũ trang giải phóng Quảng Ngãi đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 tên địch, có 3.600 tên Mĩ, 800 lính Nam Triều Tiên, thu 450 súng các loại, phá hủy 118 xe quân sự, xe M113, bắn cháy 46 máy bay trực thăng, phá banh 46 ấp chiến lược, giải phóng hàng vạn đồng bào trở về quê cũ làm ăn. (3)
Qua 2 năm đọ sức với quân viễn chinh Mĩ - Ngụy, chư hầu, quân và dân
Quảng Ngãi đã trải qua những thử thách vô cùng ác liệt, đầy hy sinh gian khổ và giành thắng lợi vẻ vang, đẩy ngụy quân ngụy quyền vào thế bị động về nhiều mặt. Thắng lợi đó là động lực thúc đẩy quân và dân Quảng Ngãi tiến lên đánh bại các cuộc càn quét trong chiến dịch mùa khô thứ hai của đế quốc Mĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công và nổi dậy đồng loạt mùa xuân 1968.
Cuộc tổng tấn công Mậu Thân tại Quảng Ngãi bắt đầu trong tình hình như vậy. Từ tháng 7/1967 toàn quân đội đã bắt đầu chỉnh huấn (chúng tôi gọi là chỉnh quân) thời gian chỉnh huấn khoảng từ 3- 7 ngày, tùy theo cấp bậc và đơn vị, lúc này là chiến sĩ hay cán bộ cấp thấp chúng tôi chỉ biết rằng việc chỉnh huấn là công việc thường niên của bộ đội, và cũng không để ý nhiều về những khẩu hiệu được nêu ra trong cuộc tập huấn, Ví dụ:” Quyết tâm vượt qua khó khăn, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ Quốc” hay “Hãy phát huy chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của QGP miền Nam tiến công tiêu diệt địch tạo một bước ngoặc mới…” Nội dung cụ thể thì đề cập nhiều đến thực hiện các chính sách lớn của quân đội như: Chính sách dân vận, chính sách thương binh liệt sĩ, chính sách tù hàng binh và chính sách chiến lợi phẩm…
Ở phía Nam tỉnh, một hội trường thật lớn (bằng tre , nứa lá rừng ) cũng được nhanh chóng dựng trong rừng vùng tây Phổ Phong, Đức Phổ để tập huấn cho cán bộ các cấp từ xã, huyện và các đơn vị trực nhằm chuẩn bị tinh thần chỉ huy chiến đấu và nhận nhiệm vụ cho chiến dịch.
Chúng lùng sục vào làng và bắn giết cả đàn bà, trẻ em ! |
Công tác chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch cũng chuẩn bị rất khẩn trương, Một đơn vị chuyên phụ trách hậu cần cho tỉnh với mật danh là H10 cũng xúc tiến hoạt động chuẩn bị vật chất, hậu cần cho chiến dịch; hồi đó ở Quảng Ngãi chỉ có một Đại đội vận tải H22 có biên chế khoảng 100 người, chủ yếu là nữ người địa phương, chuyên trách vận chuyển vũ khí đạn dược bộ binh bằng sức người và xe thồ từ trên đường dây 559 tận bên đất bạn Lào về Tỉnh đội, rồi quân lực tỉnh đội phân phối cho các đơn vị; các đơn vị trợ chiến như Tiểu đoàn pháo binh D107, Đại đội bắn tỉa C19 thì tự đơn vị phải đi nhận vũ khí cho riêng đơn vị mình. Từ tháng 6/1967 đến hết chiến dịch Mậu Thân 2 Tỉnh đội đã thành lập thêm vài đại đội vận tải bằng sức người lấy nhân lực từ các đơn vị trực thuộc của tỉnh đội như từ các cơ quan tỉnh đội, đại đội dược, đại đội sản xuất H24 để tăng cường vận tại vũ khí và phương tiện chiến đấu về phục vụ cho chiến dịch.
Từ tháng 8 đến tháng 12/1967 trong các hang đá lớn dọc hai bên bờ suối Lâm, thuộc xã Đá Sơn, huyện Tư Nghĩa (cách TX Quảng Ngãi chừng 20km về phía Tây) đầy ắp các đạn dược và lương thực, thuốc men đủ ta đánh dài ngày, được ta bố trí giấu trong đó, Đó chính là Tổng kho vũ khí và hậu cần của Bộ đội ta được dùng cho cuộc Tổng công kích và tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; dù không có người trông coi nhưng được nhân dân địa phương hỗ trợ bảo vệ an toàn tuyệt đối.
THÀNH LẬP BỘ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH
1/ BỘ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH TỔNG TẤN CÔNG TẾT MẬU THÂN-1968-QUANG NGÃI.
Chính ủy tỉnh đội Quảng Ngãi Trung tá Nguyễn Chức.
Cán bộ tăng cường, cố vấn từ QK5: Thượng tá Nguyễn Huy Chương (5)
Tỉnh đội trưởng Trung tá Lưu Thạnh Đức. (6)
Chính trị viên phó Tỉnh đội: Thiếu tá Nguyễn Chữ (6), Thiếu tá Việt Anh (6)
Tỉnh đội phó: Thiếu tá Lưu Văn Thư, Thiếu tá Phạm Trầm, Thiếu tá Phạm Trọng Hiệp
Tham mưu trưởng: Thiếu tá Phạm Văn Trinh, Tham mưu phó: Thiếu tá Hoài An, Thiếu tá Đinh Xuân Trâm (7), Đại úy Lê Văn Vui (6).
Thiếu tá Lê Hường chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch, có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ vũ khí trang bị, lương thực cho các Phương án đánh lâu dài.
Thiếu tá Đinh Xuân Trâm (người H’re) Phụ trách Dân quân du kích phối hợp nổi dậy khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc 4 huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.
Cùng các Trưởng, phó các ban:
Ban:1 Tác chiến, Đại Úy Hoàng Tề, Đại úy Nguyễn Mau
Ban 2: Quân báo, Đại úy Bùi Hồng Việt, Trung úy: Trần Thanh Khải
Ban 3: Thông tin Liên lạc, Đại úy Trần Quang, Trung úy :Lê Công
Ban 4: Quân Lực, Đại úy: Nguyễn Đình Thi, Trung úy: Trần Độ
Ban 5: Hậu cần, Đại úy: Trần Tháo, Đại úy Lê Lan
Ban 6: Cơ yếu, mật mã: Đại úy Lê văn Mẫm, Đại úy: Huy Cường
Ban 7: Công binh, bắn tỉa, xe tăng: Đại úy Hoàng Hưng,
Ban 8: Dân quân du kích, Đại úy Phạm Hùng, Trung úy Nguyễn Huân.
Ban 9: Hóa học, Đại Úy Nguyễn Cứu, Trung úy Lương Minh Hoàng
Ban 10: Đặc công, Đại úy Nguyễn Minh Châu, Thượng Úy: Lê Ba.
Còn hàng chục các trợ lý của các ban nói trên, cấp bậc từ trung úy tới đại úy có trình độ và trải nghiệm tác chiến khá cao qua nhiều chiến dịch đã được Bộ chỉ huy gửi đi biệt phái mang theo với họ tinh thần, và chi tiết nhiệm vụ của Chiên dịch xuống các đơn vị, địa phương từ 7 ngày trước ngày “n” …tại các đơn vị, địa phương các trợ lý ngay lập tức kiểm tra công tác chuẩn bị cho chiến dịch, rà soát các phương án tác chiến và cơ sở hậu cần, các chính sách lớn như: chính sách dân vận, tù hàng binh, chiến lợi phẩm… Lập báo cáo khẩn gửi ngay về cho Bộ Chỉ huy trước ngày “n” 3 ngày.
Ngoài ra còn thành lập 3 chi huy sở tiền phương di động theo các mũi tiến công chủ yếu và thứ yếu .
Đế quốc Mỹ còn đưa cả các ca sĩ từ Mỹ sang ra tận căn cứ khuyến khích chúng
bắn giết ! |
2/THÀNH LẬP CHỈ HUY SỞ TIỀN PHƯƠNG
Vì trọng điểm chính của chiến dịch T25 là đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ-Ngụy tại Quảng Ngãi nên Chỉ huy sở tiền phương chỉ được lập ở mặt trận chính.
Tháng 11/1967 để đảm bảo bí mật cho vị trí đặt chỉ huy sở Tiền phương cố định, nên việc tiến hành đào công sự, khu vực làm việc của cán bộ chỉ huy sơ, vị trí đặt đài 15W đều tiến hành hết sức bí mật , vị trí chỉ huy sở tiền phương phải đạt được những yêu cầu:
- Gần mặt trận, để có thể quan sát, thu thập tin tức và tình huống để chỉ huy kịp thời.
- Có công sự vững chắc để tránh phi pháo hạng nặng của địch, kể cả B52.
- Có lối rút lui tiện lợi đề phòng trường hợp địch bất ngờ đổ quân, đánh phá.
Vị trí đó chính là Hang Đá Ông Mọ thuộc thôn Phú Thọ, xã Nghĩa Thắng, Huyện Tư Nghĩa, (nay là xã Nghĩa Thọ, Tư Nghĩa Quảng Ngãi) chỉ cách Trung tâm thị xã, nơi quyết chiến điểm của chiến dịch Mậu thân chưa đến 10km. (Xem bản đồ)
3/ LỰC LƯỢNG THAM CHIẾN TẤN CÔNG VÀO THỊ XÃ QUẢNG NGÃI CHỈ LÀ BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG
Tiểu đoàn bộ binh d20 (4)
Tiểu đoàn Đặc công d406 của QK 5 tăng cường.
Đại đội Đặc công C506a, C506b , C21, b45, b95
Các tiểu đoàn bộ binh tỉnh d48, d83, d81.
Tiểu đoàn pháo binh nhẹ d107 (4)
Các đại đội độc lập của 6 huyện đồng bằng.
Đội Biệt động “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” của Thị đội 25 đồng chí
Đội An ninh Vũ trang của Lực lượng An ninh đặc biệt tỉnh 35 đồng chí.
6/DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH
a/ Khí thế người Ra trận:
Dù quân Mỹ- Ngụy ra sức tăng cường quân đội và phương tiện chiến tranh dữ dội từ giữa năm 1966 đến cuối 1967, chúng nống ra lập thêm ấp chiến lược, xây dựng hàng trăm đồn bót sâu trong vùng giải phóng ta, gây ra bao nhiêu nợ máu với đồng bào ta, thực tế quân ta gặp rất nhiều khó khăm, hầu như các vùng hậu phương của ta được tạo ra từ cuối 1964-1966 không còn, quân ta phải di chuyển phần lớn lên rừng núi và vùng gần rừng núi, quân Mỹ dễ dàng đổ quân, càn quét bắn phá khắp nơi, Ở cánh bắc tỉnh sư đoàn Park Chung Hee - Nam Hàn (Sư đoàn Rồng xanh) gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng ở Tịnh Sơn, Bình Hòa, Bình Minh, Balang An, chúng tràn vào làng giết chết một lúc hàng trăm người dân vô tội gồm toàn các cụ già, phụ nữ và trẻ em, so với vụ tàn sát Sơn Mỹ còn khủng khiếp hơn nhiều (nhưng rất tiếc rằng những vụ thảm sát này không được phanh phui như trận thảm sát Sơn Mỹ) nhưng khí thế quần chúng không hề nao núng, trong tư tưởng của cán bộ chiến sĩ đến người dân vùng giải phóng vẫn tin tưởng vào chiến thắng của Cách mạng, ai cũng nhận định rằng khó khăn chỉ là trước mắt tạm thời, và chúng ta nhất định thắng, nhất định sẽ từng bước Giải phóng được quê hương !
Đó chính là nguồn sức mạnh to lớn của quân và dân Quảng Ngãi trước khi bước vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy.
Do nhận thức được tình hình và nhiệm vụ đó nên cho dù lực lượng của ta rất hạn chế nếu so với lực lượng của địch (Lúc này sức mạnh của địch kể cả quân số và vũ khí thì chỉ số so sánh địch mạnh hơn ta 600 lần , cứ 8 người dân QN thì có một tên lính Mỹ-Nguy- Chư hầu) , Tuy vậy với phương châm : “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh” và “nghệ thuật chiến tranh nhân dân “ nên toàn quân đều sẵn sàng ra trận với quyết tâm chiến thắng lớn lần này !
Hàng ngàn dân công hỏa tuyến cũng được huy động để giúp quân đội vận chuyển lương thực, vũ khí và tải thương binh, liệt sĩ cùng nhịp chân với QGP hồ hởi ra trận mà không nề ác liệt hy sinh !
b/ NHẬT LỆNH TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP !
:
Mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đã xong, ngày N và giờ G đã đến, tại chiến trường Quảng Ngãi đó là Đêm 29 rạng sáng 30/1/1968 (tức đêm 30 (giao thừa) rạng sáng mồng một Tết năm Mậu Thân - theo Lịch miền Nam). Giờ G là 2.00 sáng. Nên chú ý rằng, trước đó đêm 28 rạng 29/1 tức đêm 29 rạng 30 tết các địa phương như
1. Thị xã Qui Nhơn lúc 4 giờ 10.
2. Thị xã Kon tum lúc 2 giờ 00.
3. Thị xã Pleiku lúc 4 giờ 40.
4. Thị xã Darlak lúc 1 giờ 30.
5. Thị xã Nha Trang lúc 0 giờ 30.
6. Chỉ huy sở của QĐ 1 Quân Ngụy tại Đà Nẵng
đã nổ súng trước, do đó yếu tố bí mật của các chiến trường còn lại đã mất đi không còn nữa. và bây giờ chỉ còn yếu tố bất ngờ …!
Trước khi ra trận toàn bộ quân của các đơn vị tham gia chiến dịch hướng chủ yếu đều ở phía Tây, Tây Nam thị xã, (các hướng đông, Nam, Đông Bắc thì bộ đội ta đều đã được bí mật đưa vào ém ở vị trí xuất phát từ đêm hôm trước , như như Tiểu đoàn đặc công D406 Phía đông Nam, hay tiểu đoàn bộ binh D48, c21 đặc công ở phía Bắc và đông Bắc.) Các đơn vị đánh từ hướng Tây và Tây Nam gồm có: C506A, C506B đặc công, D20 bộ binh, D107 pháo bình nhẹ, D83, D81 bộ binh và 2 đại đội độc lập của huyện Tư nghĩa…tổng quân số bao gồm dân công hỏa tuyến phải đến hơn 2.000 người , tập kết tại Gò Su (8) với hàng ngũ chỉnh tề (ai ai cũng được lệnh phải mặc bộ quần áo mới nhất mà mình có, vì ngày mai xuất hiện trước đồng bào vùng đô thị, QGP phải sạch sẽ, tươm tất, trước đây bọn Mỹ- Ngụy thường tuyên truyền là “VC- QGP là bẩn thỉu và gầy yếu, đến nỗi 5 thằng VC không làm gẫy cộng đu đủ”) đều hướng về Trung tá Lưu Thạnh Đức, tỉnh đội trưởng, Chi huy trưởng Chiến dịch đọc “Nhật lệnh Tổng Tiến công và Nổi dậy Tết Mậu” thân của Đại tưởng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Toàn quân trước giờ xuất phát tiến công…Lời kêu gọi toàn quân trong thời khắc “một ngày bằng hai mươi năm” hãy anh dũng tiến công vào hang ổ quân thù, bắt kẻ thù đền tội trước nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, thực hiện lời bác Hồ kêu gọi:
”Tiến lên chiến sĩ đồng bào.
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn…”
Đế quốc Mỹ tàn độc, giết cả trẻ em ở nông thôn nơi chúng càn quét ! |
Lời kêu gọi thật hào hùng qua giọng đọc sang sảng và vang ấm của Trung tá Lưu Thạnh Đức…Toàn đoàn quân hô vang “Quyết tâm” 3 lần, tiếng hô dội vào vách núi vang xa, vang xa mãi, nó kích động và gây ra trong lòng mọi quân nhân, mọi binh chủng khí thế hào hùng như ai ai cũng sẵn sàng xông lên tiêu diệt quân thù mà không ngần ngại ác liệt, hy sinh !
Các đơn vị được lệnh tỏa về các hướng theo nghiệm vụ của đơn vị mình…dọc các tuyến đường tiến quân đi về Thị xã, Đêm 30 trời tối đen như mực, nhưng các lộ tiêu dẫn đường làm bằng bẹ chuối, do các trinh sát và du kích, đội công tác địa phương rải dọc lối đi, trắng cả những con đưởng nhỏ; băng qua những cánh đồng ven những ngôi làng Nghĩa Thuận, Nghĩa kỳ và Nghĩa điền, chúng tôi hành quân thật nhanh để đến chiếm lĩnh vị trí xung phong cho kịp giờ G , đảm bảo hợp đồng tác chiến cho toàn chiến dịch !
Vì như ở trên đã nói, một số các chiến trường Tây Nguyên, Cực nam Trung bộ đã nổ súng đêm trước, nên toàn bộ quân Mỹ-Ngụy đã biết ta sẽ mở chiến dịch Mậu Thân rồi, nên chúng dùng rất nhiều pháo sáng và các loại pháo sát thương bắn rải rác dọc các tuyến đường hành quân tiếp cận điểm xung phong của quân ta, đã có thương vong trên đường chiếm vị trí xuất phát xung phong !
Đường ra trận hôm nay trời lất phất mưa xuân, những cơn gió bắc thổi nhẹ làm lay động xạc xào những cánh đồng mía bạt ngàn quê tôi, những đàn chim mía đang ngủ say trong rừng mía, khi nghe bước chân hành quân rầm rập của đoàn quân ra trận làm chúng giật mình kêu riú rít, rồi bay vọt lên không trung giữa trời tối đen như mực… làm cho lòng chúng tôi ai ai cũng trào lên một thứ tình cảm lẫn lộn: vừa đau thương vừa hạnh phúc…Đau thương, vì quê hương bị quân thù mang đạn bom đến giầy xéo, nhân dân tôi chịu bao đau khổ, chết chóc, thảm sát thê lương, đầy tủi hờn…Hạnh phúc, vì hôm nay được cầm súng cùng toàn quân tiêu diệt kẻ thù để giải phóng quê hương ! Lòng tôi đang ngân nga câu hát:
”Giặc tìm gối mẹ nôi em
Nay ta tìm đầu chúng trút lên lửa hờn…”
Bản đồ vị trí của QGP đồng loạt tấn công trong chiến dịch Tổng tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 |
Tôi được bố trí tại Sở chỉ huy di động của chiến dịch phía Tây nam Sân Bay Quảng Ngãi do Thiếu tá Tham mưu phó Tỉnh đội Hoài An, Thiếu tá Nguyễn Hường, Đại úy Ban 1 Nguyễn Hữu Văn và cùng các tiểu ban tác chiến, thông tin, quân báo, pháo binh… chỉ huy mũi chủ yếu theo sát hai tiểu đoàn d20 và d107 là lực lượng chủ công và trọng tâm của chiến dịch…Đảm bảo thông tin liên lạc từ các đơn vị tiền duyên về Chỉ huy sở di động đều được sử dụng bằng hữu tuyến (điện thoại) trước giờ nổ súng, khi đã nổ súng rồi bộ phận hữu tuyến thu dây và bộ phận vô tuyến bắt đầu dùng liên lạc bằng bộ đàm 2W và Prc10 hay Prc25 với các mật ngữ quy định .
Trong hợp đồng tác chiến của chiến dịch chúng ta bao giờ cũng ưu tiên cho mũi chủ yếu nổ súng trước, cho dù đơn vị khác đã chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong rồi, nhưng người chỉ huy nhất định phải tuân thủ tính ưu tiên đó của mũi hay khu vực chủ yếu…và chờ điểm hỏa của mũi chú yếu..
Mũi chủ yếu của chiến dịch là căn cứ lớn sân bay quân sự Quảng Ngãi, nơi quân Mỹ- Nguy tập trung rất nhiều lực lượng quan trọng và mạnh mẽ nhất chiến dịch. Nếu diệt được căn cứ này thì coi như những khu vực khác ta thuận lợi hơn nhiều…quân địch đều ở trong công sự hầm ngầm với 4 lớp rào thép gai và một con hào ngăn cách có bề ngang rộng hơn 10 mét, cắm đầy chông sắt và cài mìn các loại dày đặc, đèn pha công suất lớn chiếu rực sáng chung quanh, một con chuột chạy qua cũng có thể quan sát được.
c/ Giờ nổ súng:
Sở chỉ huy tiền phương di động của chúng tôi có nhiệm vụ chỉ huy mũi chú yếu đánh vào sân bay, bố trí sát mũi chủ yếu…nên mọi động tĩnh đều được báo cáo về Chỉ huy sở và được chớp nhoáng ra lệnh, lúc 0 giờ, nhiều hỏa châu màu được bắn lên trời, cùng tiếng pháo giao thừa vang lên nhưng rất ngắn, trước đó bọn địch đã ra lệnh cấm đốt pháo bởi vì chúng đã biết ra sẽ tấn công vào đêm nay. (8)
Quân Ngụy bị đẩy ra chịu trận, trong khi quân Mỹ núp trong các căn cứ |
1/ Diễn biến ở điểm Sân bay:
Đến 2 giờ sáng các mũi phía đông, đông Bắc, đông Nam đã vào được vị trí xuất phát xung phong, nhưng mũi chú yếu Tây Nam chưa vào được vì điện tại sân bay rất sáng, địch đã được báo động nên chúng tăng cường tuần tra rất nghiêm ngặt, nhiều chó béc-rê được chúng tung ra khắp nơi, các vị trí cửa mở dự định đều bị bịt kín bởi một hệ thống mìn claymore dầy đặc…Phương án 2 được truyền ra: Cường tập để chiếm lĩnh vị trí đầu cầu thay vì mật tập như phương án 1… 2:20 phút mũi chủ yếu bắt đầu nổ súng, Tên lửa A12 bắn phủ đầu địch, các súng DKZ bắn thẳng vào các lô cốt, các chiến sĩ ôm bộc phá băng qua hàng rào thép gai dày đặc chông mìn xông lên…quân địch lập tức cho nổ hệ thống mìn Claymore đã bố trí, gây ra nhiều thương vong cho chúng ta, các lô cốt chính tại mé tây nam được trang bị nhiều đại liên 12,7 bắn như mưa...Mũi chủ yếu do đại đội 1 D20 và trợ chiến D107 không vào được, bị bật lại ngoài bờ rào, hàng ngàn quả M79 được bắn thẳng vào trận địa của ta, gây thương vong rất lớn, xe tăng M41 và xe bọc thép M113 chạy qua lại phía trong bắn ra phía cửa mở như mưa…pháo sáng liên tục bắn lên sáng như ban ngày…quân địch đắc ý dồn hết hỏa lực về phía ta mà bắn…
Quân ta lùi lại, cũng cố trận đia, đưa thương binh, tử sĩ ra phía sau chuẩn bị cho đợt xung phong thứ hai, lúc đó phía đông trời đã bắt đầu hửng sáng, một tình huống mới bất lợi cho quân ta…
2/ Mũi Đông Nam Thị xã: Tiểu đoàn đặc công D406 đánh thẳng vào Tiểu khu Quảng Ngãi, đầu não của bảo an và địa phương quân, chọc thủng được một góc chi khu tiêu diệt nhiều tên, nhưng phía ngoài chúng đã bố trí xe bọc thép ngụy trang núp trong các lùm cây phản kích dữ dội cắt ngang đội hình của tiểu đoàn. Phía Đông bắc ta diệt được nhiều địch, nhưng bên ta cũng bị thương vong nhiều vì bị các chi đội M113 của địch phục kích trước, quá bất ngờ nên đội hình của mũi phía bắc chi khu phải rút ra phía bờ sông Trà gần bến Tam Thương để xốc lại đội hình, tổ chức phản kích lần 2 nhưng đều thất bại, mũi này anh em thương vong gần hết. Tiểu đoàn phó Huỳnh Rừng chỉ huy đơn vị độc lập chiến đấu, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố giết rất nhiều giặc và hy sinh đến người cuối cùng, làm cho quân địch kinh hoàng bạt vía ! (Anh Huỳnh Rừng cùng 47 liệt sĩ khác vừa tìm được hài cốt tại ngay bờ sông Trà khúc)
3/Mũi đánh vào Sở cảnh sát, đài phát thanh:
Đại đội đặc công C506b quân số gần 100 chiến sĩ đánh thẳng vào Sở cảnh sát dã chiến, Tòa Tỉnh trưởng thắng lợi lớn, một mũi đánh vào Đài phát thanh, phá hủy toàn bộ thiết bị đài, ít gặp trở ngại vì quân địch phía Trung tâm chủ quan. Toàn đại đội được lệnh trụ lại cho đến sáng để đánh phản kích…
Giặc Mỹ-Ngụy tàn sán cả phụ nữ, cụ già.. |
4/Mũi đánh vào nhà lao Quảng Ngãi, giải phóng 1.500 tù chính trị:
Ở mũi phía Nam, mục tiêu chính là đánh vào các đại đội thám báo và cảnh sát bảo vệ nhà tù Quảng ngãi do Đại úy Thị đội trưởng Nguyễn Tiến và Đại úy chính trị viên Thị đội Lê Mai chỉ huy, cùng đội biệt động thị xã, đại đội đặc công C506a, đại đội C95, với quân số khoảng 200 đồng chí, ban đầu địch kháng cự dữ đội, sau khi ổ đề kháng chính 12,7 của địch tại nhà tù từ lô cốt trên cao bị tiêu diệt, toàn đại đội đánh sập bức tường rất dày bảo vệ nhà tù, lọt vào để đánh chiếm từng xà lim, dùng súng AK bắn nát tất cả hàng trăm ổ khóa cửa xà lim, nơi giam giữ đồng bào, đồng chí của chúng ta, 1.500 tù nhân ùa ra ôm lấy các chiến sĩ đặc công của ta khóc vô cùng xúc động, nhiều đồng chí tù nhân trẻ, khỏe không chịu ra vùng giải phóng mà xin ở lại cùng bộ tôi ta chiến đâu tiêu diệt quân thù… ta giải phóng trọn vẹn 1.500 tù nhân và phần lớn tù nhân được bộ đội ta đưa về Phú Thuận, Phú Sơn rồi về vùng giải phóng an toàn…
Sau đó thì trời bắt đầu sáng … từ phía núi Bút và chi khu Quân sự Tư Nghĩa xe tăng địch dịch xuất hiện bao vây tấn công , đơn vị đặc công c506a và c95 dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy thị đội Quảng Ngãi (Do đại úy Lê Mai chính trị viên và đại úy Nguyễn Tiến thị đội trưởng, Ung Văn Tạc trung úy,Trưởng quân báo) và nhiều chiến sĩ biệt động trụ lại đánh địch phản kích hai ngày liền trong thị xã, toàn bộ Ban chỉ huy thị đội và 2 đại đội đặc công anh dũng ngoan cường, các chiến sĩ ta chiếm từng góc phố, từng căn nhà để đánh trả với hàng chục xe tăng và máy bay địch đến bao vây, sau gần 2 ngày chiến đấu vô cùng anh dũng các anh đã chọi lại với lực lượng địch vừa mạnh, vừa đông gấp hàng chục lần đã diệt được nhiều địch, sau đó chúng chỉ dựa vào hỏa lực của xe tăng và HUIA mà không có tên bộ binh nào dám xuất hiện nữa, cuối cùng các đồng chí đã anh dũng hy sinh đến người cuối cùng khi hết đạn, không một ai đầu hàng địch !…(Số các liệt sĩ hy sinh tại đây quân địch đã chôn vùi chung nhiều hố, Tháng 12/2009 chúng ta đã phát hiện và khai quật tìm thấy 39 bộ hài cốt tại một hố chôn khu vực phía ngoài nhà lao thuộc phường Trần Phú tp. QN)
Lính Mỹ bắt được QGP thì thường chặt đầu, moi gan |
Quân Mỹ-Ngụy thường tra tấn bạc đãi QGP trước khi giết |
5/ Mũi phía bắc thành phố:
Tiểu đoàn bộ binh D48 phối hợp với c21 đặc công tỉnh được phân công đánh chặn địch tiếp viện từ Chu Lai vào và đánh tập kích tiêu diệt Trường đào tạo Hạ sĩ quan Cao điểm 45 (Núi Long Đầu) thuộc Sư đoàn 2 quân Ngụy, với quân số gần 1.000 tên…cả tiểu đoàn chiếm lĩnh vị trí bí mật, an toàn đến tận giờ G, rồi bật lên tấn công chớp nhoáng, sắc mạnh, trận đánh tiêu diệt thắng lợi, giết chết 700 tên, bắt sống 200 tên tù binh rồi giáo dục và thả ngay tại chỗ, ta thu toàn bộ vũ khí và chiến lợi phẩm. bên ta hy sinh 4 bị thương 3…Đại đội 3 được tiểu đoàn trưởng Đồng Đắc Kỷ trực tiếp chỉ huy ở lại chốt điểm để nhữ địch đánh viện; còn hai đại đội 1, và 2 phục kích dọc QL1 để phòng quân từ Chu Lai và Bình Sơn kéo vào chi viện. Nhưng sáng sớm ngày 30/1/68 - mồng 1 tết miền Nam), Không quân Mỹ từ Chu Lai dùng bom hóa học ném xuống căn cứ và dùng xe tăng đột kích, hơn 120 anh em đều chiến đấu vô cùng anh dũng diệt nhiều địch đến viên đạn cuối cùng rồi hy sinh. Không một ai đầu hàng, phản bội.
6/ Tại Căn cứ Ebộ E4 của sư đoàn 2 Ngụy tại Núi Bút: Lực lượng pháo binh tập kích bằng tên lửa A12 làm cháy 1 kho đạn lớn, lửa cháy ngùn ngụt mấy ngày liền, quân địch hoang mang đào ngũ hàng loạt !
7/ Tại các Chi khu quân sự Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn ; các tổ hợp quân sự cấp quận, huyện của địch đều bị tập kích hay pháo kích, chặn đánh quân ngụy nống ra bên ngoài chi viện, các lực lượng tiến công đều do bộ đội địa phương và dân quân du kích tổ chức tấn công. Tuy nhiên không đánh dứt điểm được một chi khu quân sự nào, bởi vì chúng đã cảnh giác rất cao và sẵn sang ứng phó nếu ta tiến công.
8/ Tại trung tâm chiêu hồi Bàu Giang, nơi ở của những kẻ phản bội, chiêu hồi xưng khai chống lại cách mạng; lực lượng pháo binh của tỉnh đã bắn 8 quả tên lửa DKB, có 3 qua rơi đúng mục tiêu, diệt hàng trăm tên chiêu hồi phản bội. (9)
d/ Kết thúc chiến dịch:
Quay lại với diễn biến của mũi chủ yếu đánh vào sân bay do d20 bộ binh và d107 pháo binh,..khi lực lượng còn lại của ta tạm lui về điểm xuất phát tấn công chờ Chỉ huy sở lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Tấn chỉ huy tiểu đoàn bộ binh d83 đang là thê đội dự bị mạnh của d20, lên phối hợp với phần sinh lực còn lại của d20, xung phong tiến lên để quyết chiếm sân bay một lần nữa… Tiểu đoàn trường Ngô Văn Tấn bị thương nặng nhưng vẫn gan dạ dẫn tiểu đoàn d83 vượt qua hàng rào thép gai dày đặc bom mìn, rồi xông thẳng vào “tung thâm” địch thì trời sáng.
Lúc này ở phía đông hàng loạt máy bay trực thăng vũ trang HU1A từ Chu Lai bay lên tấn công vào đội hình ta, chúng dùng tên lửa bắn cháy các ruộng mía nơi ta ém quân, tạo nên sức nóng và khói dạt về phía các đơn vị của ta, d20 và d83 bị địch cắt làm đôi, phần lớn chiến sĩ đều kiên cường dũng cảm, vừa tấn công, vừa đánh trả xe tăng và máy bay địch, rồi hết đạn và anh dũng hy sinh đến người cuối cùng trên ngay đường băng sân bay…
Tiểu đoàn pháo binh d107 có nhiệm vụ dùng súng 12,8 bắn máy bay trực thăng, nhưng không hiệu quả, chúng vẫn bắn như mưa xuống đội hình và sở chỉ huy của ta, anh em thương vong rất lớn nằm đây đó từ bờ rào sân bay ra ruộng mía, nhưng các đồng chí của ta cắn răng chịu đựng không kêu một lời… một số anh em thuộc d107 trợ chiến bỏ lại vũ khí, chạy về phía sau. Thiếu tá Hoài An lệnh cho chúng tôi ngăn anh em và động viên họ ở lại chiến đấu, nhưng không có kết quả, tôi và đồng chí trung đội trưởng bảo vệ Lê Tấn Hệ vừa giữ lại được một khẩu súng 12,8 bèn hí hoái lắp chân để bắn máy bay trong cơn mưa đạn của HUIA nhưng không hiểu sao không bị dính đạn, khi lắp xong thì không tìm được đạn, mía cháy khắp nơi, hơi nóng phả vào người, vào mặt tưởng không thở được, nhiều đồng chí nhảy xuống mương nước vục mặt xuống cho dịu cơn nóng và tránh đạn máy bay…rồi cũng được lệnh rút vì xe tăng địch bắt đầu trườn qua vị trí xuất phát xung phong của đơn vị để tiến vào chỉ huy sở….
Tình huống xấu này buộc cả đơn vị thực hiện theo PA2, là nếu không đánh dứt điểm được thì rút về phòng ngự tại Truổng Ổi, Hố Sổ , Phú Sơn, Phú Thuận thuộc xã Nghĩa Kỳ để đánh càn, các công sự đã được dân công hỏa tuyến chuẩn bị sẵn từ trước…Chỉ huy sở cơ động thì tạm thời rút về chỉ huy tại thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận cách Phú Sơn chỉ vài trăm mét…
Đến 7:30 sáng ngày 30/1/1968 Đại úy Nguyễn Hữu Văn tác chiến sở chỉ huy, báo cáo lên Trung tá chỉ huy trưởng chiến dịch Lưu Thạnh Đức, kết quả sơ bộ của toàn chiến trường Quảng Ngãi theo thống kê chưa đầy đủ quân ta đã tiêu diệt hơn 2.800 tên địch (có nhiều tên Mỹ và chư hầu Park Chung Hee), bắt sống hơn 200 tên, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn cháy hơn 10 chiếc xe tăng và xe bọc thép, giải phóng được gần 1.500 tù chính trị tại nhà lao Quảng ngãi. Ta hy sinh 935 đồng chí bị thương hàng trăm người khác (Chưa có số liệu thương vong của các lực lượng du kích của các địa phương và dân công hỏa tuyến) ..!
Trong đêm phối hợp với chiến trường chính là trung tâm tx. Quảng Ngãi các lực lượng pháo binh của Quân khu 5, cũng đã đồng thời pháo kích vào sân bay Chu Lai, căn cứ chính của Sư đoàn TQLC Mỹ số 9, pháo kích vào căn cứ không quân Mỹ LZ Bronco tại Gò Hội, Đức Phổ đồng thời là căn cứ của các Lữ 11 bộ binh nhẹ, lữ 198 Bộ binh nhẹ, sư không vận 101 của Mỹ, làm cho chúng hoảng hốt, máy bay phản lực không dám cất cánh đi ném bom cho đến trưa hôm sau !
Trận Tấn công Tết Mậu Thân tại Chiến trường Quảng Ngãi tuy có nhiều hy sinh, mất mác vì quân địch có số quân và trang bị rất mạnh bao gồm nhiều xe tăng, máy bay và phi pháo. Lại được ở trong công sự kiên cố có sự liên lạc và thông tin rất nhanh chóng và chặt chẽ nhưng chúng ta đã làm cho kẻ thù hoang mang dạo động và hoảng loạn đối phó. Quân Mỹ chưa dám đưa bộ binh ra ngay ứng phó ngay mà nằm chờ trong công sự tại tại các căn cứ chỉ dùng phi pháo và xe tăng hỗ trợ…
Phối hợp với các cuộc tiến công vào thị xã, ở các vùng ngoại ô thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức phổ, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh nhân dân trong các ấp chiến lược và khu dồn đã cùng nổi dậy đốt ấp chiến lược đấu tranh chính trị đòi trở về làng cũ sinh sống, nhiều thanh, thiếu niên vùng địch xung phong tham gia Quân giải phóng, tạo nên khí thế hừng hực khắp nơi, làm cho quân địch vô cùng hoảng loạn !
Ngày 3/2/1968 được sự đồng ý của Quân khu 5, tỉnh Quảng Ngãi thành lập một trung đoàn mới mang tên Trung đoàn 328 trên cơ sở quân nhân vừa tuyển được trong đợt Tổng công kích và nổi dậy vừa qua, với trụ cột là một số đại đội có sức chiến đâu cao của các tiểu đoàn (d81,d83) được tách ra. Ngay sau khi được thành lập Trung đoàn 328 chặn đánh quân Ngụy càn quét ven thị xã và vùng đông Nghĩa Hành, vùng Truổng Ổi, đèo Eo Gió diệt được hàng trăm tên địch, bắn cháy nhiều xe bọc thép , thu nhiều vũ khí của địch.
Để bồi tiếp cho đối phương những đòn chí mạng, mặt trận Quảng Ngãi còn tiếp tục thực hiện đợt Tấn công Mậu Thân 2 Tức T26 vào đầu tháng 5/68 lập công mừng thọ Bác Hồ, rồi các chiến dịch tiếp theo X1: 13/8/68; X2 :9/9/68, …25/2/69…làm cho quân địch trở tay không kịp, lúng túng đối phó, đội hình của chúng bị xé ra từng mảng lớn !
Nhìn chung đợt tổng tấn công và nổi dậy trên chiến trường Quảng Ngãi chúng ta thu thắng lợi rất to lớn, quân địch chịu sự tiêu diệt nặng nề, tuy vậy chúng ta cũng đã chịu khá nhiều hy sinh và tổn thất, nhất là các đơn vị đánh sâu và trụ lại ban ngày...
Ý nghĩa nhất là lần đầu tiên trong Lịch sử cuộc cách mạng, Quảng Ngãi đã cùng với các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt tấn công sâu vào hang ổ kẻ thù, tạo nên một cú sốc rất lớn như một cơn địa chấn vào chính quyền và quân đội Mỹ, buộc chúng phải lập tức xuống thang cuộc chiến, đơn phương tuyên bố hạn chế ném bom miền bắc, đơn phương thừa nhận lực lượng QGP là một thực thể ở miền Nam và cùng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ờ Paris, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, và bắt đầu thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ...Nhờ đó mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta bước sang một bước ngoặc mới, để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc !
X X
X
Đôi giòng tâm sự:
Đã 50 năm trôi qua, chưa có sách vở , tài liệu nào nói tổng quát về cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân trên chiến trường Quảng Ngãi mà chỉ có nhiều bài viết nêu ra vài trận cụ thể với chi tiết tương đối cụ thể mà chưa có sự tổng hợp chung của chiến trường…Rất tiếc là kinh nghiệm viết còn thiếu, số liệu còn thiếu nhiều, chỉ viết theo trí nhớ và ghi chép được ít trong nhật ký, một số nhật ký trong chính trong chiến trường đã bị thất lạc trong chiến tranh. Tôi cố gắng viết lại ký ức này để mọi người có thêm ít nhiều tin tức về khí thế của Quân và dân ta ngày ấy…
Tôi viết để tưởng nhớ đến đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Lịch sử này, mãi mãi tôi không thể nào quên được anh Lê Mai, Nguyễn Tiến và Ung Văn Tạc những người thủ trưởng của tôi và là những tấm gương chỉ huy gan dạ của Thị đội Quảng Ngãi và chết oai hùng cùng với chiến sĩ của mình trước sự hung hãn của quân thù mà không phút giây nao núng. Tôi cũng viết cho Bùi Hướng, Lê Xuân Phượng, Nguyễn Thị Nhương,Trần văn Khoa, Hồ Hương, Lê Đá… những người bạn thân thiết như ruột thịt của tôi đã hy sinh trong đêm giao thừa ấy chỉ vì họ muốn vùng lên giải phóng quê hương ra khỏi nanh ác của quân thù khi tuổi đời còn trong trắng và phải dừng lại ở tuổi 20…
Tôi viết để tưởng nhớ hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ của tôi đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm đầu của Chiến dịch Lịch sử đầy máu và nước mắt này và những đồng chí của tôi trên cả chiến trường miền Nam thân yêu đau thương mà Anh dũng của tôi…
Những người được sống hôm nay phải suy nghĩ nhiều và phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống cho Dân tộc để chúng ta được yên ổn trong hòa bình…
Chúng ta cũng mạnh mẽ bác bỏ những dư luận xấu xa rằng, T25 là “một đi không trở lại” tức là chúng ta quyết giải phóng miền Nam ngay lúc ấy và không quay về hậu cứ nữa…đó là những sự xuyên tạc đồi bại và hèn nhác, Đảng CSVN và Hồ Chí Minh đã có cái nhìn xa vợi…lúc đó Bác và Đảng tuyên bố rõ ràng là “Cuộc tiến công Mậu thân này sẽ tạo nên một bước ngoặc mới cho cách mạng miền Nam…” và chúng tôi đã có những bậc chỉ huy kỳ tài phán đoán rằng sẽ khó khăn và chuẩn bị nhiều phương án cho “cuộc đấu trí máu” này lâu dài ra sao…?, thế là đã rõ…!!!
Còn việc chúng ta hy sinh hàng vạn người là có thật, một quân đội nhỏ bé , trang bị lạc hậu bị coi là “cộng phỉ” chiến đấu ngoài công sự với kẻ thù mạnh gấp mấy trăm lần , đã từng quen nghề bắn giết từ Âu sang Á như Đế Quốc Mỹ và lũ chư hầu, nhưng chúng lại ở trong công sự, với trang bị tối tân nhất thế giới và sự hỗ trợ của hỏa lực mau chóng, thì cái sự hy sinh, đổ máu của chúng ta nhiều là chuyện Tất yếu , chỉ có bọn đầu óc đấy phản trắc mới xuyên tạc sự anh dũng và hy sinh của Quân đội và Nhân dân Anh hùng của chúng ta!
Chúng ta đã đánh một trận long trời lỡ đất, tiếng vang của nó dội đến Nhà Trắng làm tỉnh thức hàng trăm triệu người dân Mỹ vốn hiếu chiến, cũng dư chấn của cuộc Tổng tấn công này vang đến làm rung chuyển London, Paris, Brussel, Bon, Tokyo…làm thức tỉnh hàng trăm triệu con người có trái tim nhân hậu, họ xuống đường đập phá tất những biểu tượng Mỹ, nhiều người bị cảnh sát bắn chết ngay trên đường phố chỉ vì họ muốn chặn bàn tay vấy máu của Mỹ đang tàn sát Nhân dân Việt Nam vô tội…đó chẳng phải là một chiến thắng Vĩ đại ư, hỡi những kẻ có đầu óc ngu ngốc và trái tìm đầy máu đen độc ác !
Tháng 1/2018
--------------------------
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Tiger_Force
(2) Tại Quảng Ngãi quân Pak Chung Hee đóng quân trên đồn, không dám ra ngoài, mỗi lần ra ngoài thì dùng phi pháo, chất độc hóa học và bom napal hủy diệt hết làng xóm rồi chúng mới dám mò ra. Mỗi khi tràn vào làng chúng thực hiện chính sách “Tam Quang - Đốt sạch, Phá sạch, Giết sạch”. Không ngày nào là không có hàng chục đồng bào ta bị chúng vô cớ giết hại, có xóm chúng giết sạch, như ở Bình Hòa trong một tháng chúng giết hơn 1.300 người, các vụ thảm sát ở Bình Châu, Tịnh Hà, Tịnh Sơn, Tinh Minh, Tịnh Bắc, chỗ nào cũng có hàng trăm người chết, đa phần là hãm hiếp trước khi giết, chặt đầu, mổ bụng ném, xuống giếng. Tiếc thay tội ác của chúng không được phanh phui cho đến tận ngày nay !
(3) Theo báo cáo tình hình chiến trường của Tỉnh đội Quảng Ngãi.
(4) d20 có quân số 400 đồng chí, biên chế thành 4 đại đội. 100% cán bộ, chiến sĩ là người các dân tộc miền núi như H’re, Bana, Cà Dong. Họ xuất thân từ trong một xã hội Mỹ-Diệm, đời sống họ và gia đình họ không khác gì nô lệ - súc vật thời trung cổ. Từ 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời, đã mang đến cho họ sinh khí của Cách mạng, Bác Hồ…họ giác ngộ và sắn sàng hy sinh cho cách mạng.
Tháng 5/1967 họ cùng Tiểu đoàn pháo binh d107 (100% người Hải Phòng) chặn đứng cuộc càn quét vào căn cứ cách mạng của Sư đoàn không vận số 101st ở vùng Ba Tơ, Sơn Hà, dọc sông Re giết chết hơn 200 tên Mỹ, bắn rơi 25 máy bay thu nhiều vũ khí…đó là khí thế họ mang vào chiến dịch vĩ đại này !
(5) Nguyễn Huy Chương (1926-2004), bí danh Kim Anh là một tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5. Nguyễn Huy Chương sau là trung tướng Chính ủy Quân Khu 5
(6) Trung tá Lưu Thạnh Đức, Trung tá Nguyễn Chữ, Thiếu tá Việt Anh đều hy sinh ngay những ngày sau chiến dịch
(7) Thiếu tá Đinh Xuân Trâm người dân tộc H’re một cán bộ chỉ huy đã quá tuổi về hưu (65t) nhưng quyết xin ở lại chiến trường chỉ huy chiến dịch toàn thắng.
(8) Năm ấy. Tháng 7/1967 Chính phủ cho phát hành bộ lịch mới ở Vn theo đề nghị của cụ Nguyễn Xiển, theo đó lịch miền bắc tách khỏi lịch Trung Quốc vì thế giao thừa miền Bắc trước giao thừa miền Nam 24h (Tết miền Nam vẫn theo lịch TQ)…tức miền Bắc đêm giao thừa là đêm 28/1/68, còn miền Nam giao thừa là đêm 29/1/68…do người phổ biến không nắm được tình hình cụ thể này và cũng không ngờ các địa phương cứ kèm theo theo chữ “giao thừa”…mà có sự sai khác ngày N…thật đáng tiếc !
(9) Chiêu hồi có 2 loai, một là do hoảng sợ rồi đầu hàng địch, loại này thường bị địch nghi ngò và không sử dụng, thường bị chúng thủ tiêu, hay đưa ra chiến trường làm bia đỡ đạn cho chúng...Loại còn lại là gian manh, xảo quyệt quyết lập công với kẻ thù, chúng thường xưng khai, chỉ chỗ đóng quân hay cơ sở của ta, dẫn đầu các cuộc tảo thanh khu trục cơ sở ta.